Trang

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Nghệ thuật tranh luận

Theo các con số thống kê đáng tin cậy, 40% những cuộc giao tiếp của chúng ta với người khác có thể được liệt vào hàng tranh luận (hoặc tranh cãi). Và thái độ của người ta đối với tranh luận hoặc tranh cãi cũng không giống nhau. Vậy làm sao để những cuộc “giao tiếp” như thế có kết quả tốt đẹp?

Thực vậy, mỗi người có phong cách tranh luận khác nhau. Một số người lúc nào cũng sẵn sàng đôi co với những người xung quanh, coi đó là lý do tồn tại của mình; một số khác thì ngược lại, coi tranh luận (và nhất là tranh cãi) là một thứ gì đó nên tránh xa bằng mọi cách. Nhưng trong thực tế, hầu như chưa có ai tránh được những cuộc tranh luận hay tranh cãi, trừ phi đó là “bậc thánh”. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải nắm được nghệ thuật tranh luận để có thể rút ra được nhiều lợi ích nhất cho bản thân cũng như cho công việc.

1. Chớ buông theo những cảm xúc, những tình cảm bức xúc của bản thân

Hãy để lại trong ý thức của bạn một “vùng lạnh” có khả năng điềm tĩnh đứng về phía đối thủ. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải nhắm mắt chấp nhận quan điểm của đối thủ. Nhiệm vụ của bạn là theo dõi một cách có biện chứng trong lập luận của phía bên kia (cho dù bạn cảm thấy lập luận của phía bên kia chẳng có biện chứng gì hết) và dự đoán trước câu đối đáp tiếp theo của đối thủ. Muốn vậy, bạn chỉ cần mở đầu câu tiếp theo của bạn như sau: “Tôi hiểu rằng anh...”, tiếp đó trình bày quan điểm mà bạn dự đoán của đối thủ. Ngay sau đó, không chờ đối thủ đáp lại, bạn hãy trình bày ngay ý kiến phản bác của mình. Hãy cố gắng nhắc lại từng lý lẽ của phía bên kia bằng lời của bạn để chính bạn hiểu rõ những vấn đề của đối thủ để đối thủ nghe thấy người khác nói lên những điều khiến anh ta bực bội. Nếu bạn làm được như vậy, đối thủ sẽ cảm thấy bạn hiểu anh ta và sẽ chăm chú lắng nghe các lý lẽ của bạn cho dù trước đó, anh ta chỉ muốn chỉ trích bạn.

2. Thái độ nghiêm chỉnh

Cho dù trong thâm tâm bạn hết sức hoài nghi đối với những lời lẽ của đối thủ nói riêng và năng lực trí tuệ của anh ta nói chung, bạn vẫn nên cố gắng bày tỏ thái độ nghiêm chỉnh đối với những điều anh ta nói. Đó là cơ hội tuyệt vời để mở rộng hiểu biết của chính bạn và làm phong phú thêm kinh nghiệm của mình. Một nhà hiền triết phương Đông chẳng đã từng nói “Kẻ nào không phải là bạn ta thì là thầy ta”.

3. Đừng bao giờ lẩn tránh cuộc tranh luận trực diện

Bất kỳ cuộc tranh luận nào cũng có thể và phải trở thành cuộc tranh luận mang ý nghĩa tích cực. Chúng ta thường lẩn tránh cuộc xung đột đã chín muồi, chúng ta thường im lặng bỏ đi, làm ra vẻ mọi chuyện đều êm đẹp và nở một “nụ cười thường trực”. Nhưng phải biết rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng chín dần như mụn nhọt đang mưng mủ và cho dù thoa dầu thơm lên chỗ nhọt thì vấn đề cũng không tự thân giải quyết được. Bởi vậy, bạn đừng ngại mở đầu một cuộc tranh luận khó khăn và chỉ kết thúc cuộc tranh luận đó khi cả hai bên đều cảm thấy sự việc đã dịch khỏi điểm chết. Nói một cách hình ảnh, bất kỳ cuộc tranh luận (hoặc tranh cãi) nào đều có thể so sánh với ly bia (hoặc ly champagne, tùy ý bạn) - ở trên là phần bọt và ở dưới mới thực sự là bia (hoặc rượu). Phần bọt - đó là cảm xúc bực bội của chúng ta và khi cảm xúc đó chưa lắng xuống thì chúng ta không đến được thực chất. Vì vậy, hãy để cho đối thủ (và cả bạn nữa) trút ra những bức xúc của mình, nhưng chỉ sau khi hai bên đã đi đến một quyết định nào đó. Điều chủ yếu nhất là chớ bị lây tâm trạng bực bội, bức xúc của phía bên kia và phải tách biệt rành mạch tâm trạng đó khỏi đề tài tranh cãi.

4. Trong quá trình tranh luận, hãy cố gắng xác định xem điểm của hai bên trùng nhau ở chỗ nào và khác biệt ở chỗ nào

Bạn có thể có cảm giác hai bên chẳng có điểm gì chung hết, nhưng đó chỉ là thoạt nhìn mà thôi. Nếu bạn để lại trong ý thức của mình một “vùng lạnh” như đã nói ở phần trên thì thế nào bạn cũng thấy hai bên có một số điểm chung nhất định, dù là nhỏ. Bạn hãy lưu ý phía bên kia đến những điểm chung ấy. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để hai bên dung hòa và làm lành với nhau.

5. Tuyệt đối không được chuyển sang việc công kích cá nhân, tuyệt đối không được “ra đòn dưới thắt lưng”

Đó là điều rất cần tránh. Chẳng hạn, bạn so sánh đối thủ với một ai đó mà theo ý kiến của bạn, tốt hơn đối thủ về mọi mặt. Bạn phải nhớ là không một ai, kể cả bạn, lại thích một sự so sánh như vậy. Bất kỳ ai trong thâm tâm cũng tự coi bản thân là tốt nhất và nếu bị người khác hạ nhục có thể bất chấp hết. Một kiểu “ra đòn dưới thắt lưng” nữa là nói cạnh khóe đến một nhược điểm nào đó trong hình thức hoặc trong cách nói năng của đối thủ. Khi ấy cuộc tranh luận sẽ lập tức biến thành to tiếng, cãi vã và bạn chớ mong phía bên kia dung hòa hoặc nhượng bộ. Bạn cũng không nên nhắc đến những lỗi lầm trong quá khứ của đối thủ hoặc khái quát hóa những lỗi lầm ấy, chẳng hạn: “Trước kia anh bao giờ mà chẳng thế...”; hoặc “Anh lại... như lần trước rồi”. Cách đánh giá theo kiểu quơ đũa cả nắm ấy buộc phía bên kia phải tự vệ, tức là cuộc tranh luận sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Và cuối cùng, chớ bao giờ nhắc lại với đối thủ những lời ngồi lê đôi mách về anh ta. Bạn chỉ chịu trách nhiệm về những lời của chính bạn thôi.

HOÀNG TRANG

Không có nhận xét nào: