Trang

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2007

22 Nguyên Tắc Không Biến Đổi Về Marketing

Theo Al Ries, Jack Trout và Paul Temporal

1. Nguyên tắc về sự dẫn đầu.
Là sản phẩm đầu tiên bao giờ cũng có ưu thế hơn sản phẩm tốt hơn
2. Nguyên tắc về chủng loại.
Nếu bạn không thể là sản phẩm đầu tiên của một chủng loại, hãy thay đổi tính chất của chủng loại đó, hoặc tạo ra một chủng loại mới mà bạn có thể là sản phẩm đầu tiên.
3. Nguyên tắc bậc thang.
Chiến lược mà bạn sẽ áp dụng tuỳ thuộc vào nấc thang thứ mấy mà bạn đang đứng.
4. Nguyên tắc về song đôi.
Về lâu dài, mọi cuộc đua tranh rồi sẽ chỉ còn lại hai con ngựa.
5. Nguyên tắc về tư duy và nhận thức.
Marketing không phải là một trận chiến của các sản phẩm, nó là một trận chiến về nhận thức của khách hàng, và đôi khi chiếm lĩnh nhận thức của khách hàng trước tạo ra nhiều ưu thế hơn là thâm nhập thị trường trước.
6. Nguyên tắc về sự tập trung.
Khái niệm có tác động cao nhất trong marketing là sở hửu một từ trong tư duy của khách hàng tiềm năng.
7. Nguyên tắc về sự mở rộng.
Việc mở rộng thêm nhãn hiệu thường là một áp lực không thể cưỡng lại được.
8. Nguyên tắc về sự độc nhất và tính ưu việt
Sở hửu một vị trí ưu việt trong tư duy của khách hàng là yếu tố sống còn, marketing là một sự nỗ lực liên tục trong quá trình tìm kiếm sự độc nhất.
9. Nguyên tắc về sự phân chia.
Theo thời gian, một chủng loại sản phẩm sẽ phân chia và trở thành hai (hoặc nhiêu hơn) chủng loại.
10. Nguyên tắc của trái tim.
Chiến lược marketing mà không có yếu tố tình cảm thì sẽ không có hiệu quả.
11. Nguyên tắc về đặc tính
Khi bạn phải tập trung vào đặc tính sản phẩm, bất kỳ khía cạnh nào cũng có một đặc tính đối nghịch và hiệu quả.
12. Nguyên tắc về tính thật thà
Khi bạn chấp nhận một nhược điểm, khách hàng tiềm năng sẽ cho bạn một ưu điểm
13. Nguyên tắc về sự hy sinh.
Muốn được một thứ bạn phải từ bỏ một thứ khác.
14. Nguyên tắc về sự thành công.
Thành công thường dẫn đến kiêu ngạo, và kiêu ngạo dẫn đến thất bại
15. Nguyên tắc về sự thất bại.
Thất bại là điều phải được dự kiến và được chấp nhận
16. Nguyên tắc về yếu tố không thể lường trước.
Trừ phi bạn chính là người soạn ra kế hoạch của đối thủ cạnh tranh, bạn không thể biết được điều gì sẽ xãy ra trong tương lại.
17. Nguyên tắc về sự cường điệu
Tình hình thực tế thường ngược lại với những gì xuất hiện trên báo.
18. Nguyên tắc về sự gia tốc
Các chương trình thành công thường không được xây dựng dựa trên mốt nhất thời mà dựa trên khuynh hướng
19. Nguyên tắc về viễn cảnh.
Hiệu ứng marketing thường xãy ra và kéo dài
20. Nguyên tắc về sự đối nghịch
Nếu bạn nhắm vào vị trì thứ hai, chiến lược của bạn do người dẫn đầu quyết định
21. Nguyên tắc về xuất xứ.
Xuất xứ của thương hiệu thường quan trọng hơn chất lượng
22. Nguyên lý về nguồn tài nguyên.
Không có đủ nguồn ngân sách và kiến thức chuyên môn cần thiết, ý tưởng không thể thành hiện thực và thương hiệu không thể được tạo nên.

Sally sưu tầm

Mười chỉ số cơ bản các Web site TMĐT cần theo dõi

Trong bữa cafe với chủ nhân của một site Tuyển dụng, tôi chợt nhận ra mọi người đều so sánh sự thành công của Site trên chỉ số Alexa. Ngay cả Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại Việt Nam) cũng đề xuất sử dụng chỉ số Alexa để xếp hạng về chất lượng của Web site bộ, ngành.

Vậy Alexa cho phép biết những gì? Alexa cho biết tỉ lệ số trang xem/ truy nhập, xu hướng và số người truy nhập trên toàn thế giới vào một site với giới hạn bộ đếm này chỉ kích hoạt trên trình duyệt web có cài tool bar Alexa. Tuy nhiên một thực tế là tại Việt Nam không có nhiều người cài toolbar này trong khi đó người truy nhập chủ yếu từ Việt Nam, mặt khác việc tự tăng số lần xem trang đối với Alexa là rất dễ dàng nên Alexa rất khó có thể trở thành thước đo chất lượng của một Web site và càng không thể đo sự thành công của một Web site.



Để đánh giá chất lượng một Web site Thương mại điện tử thì cần nhiều hơn những chỉ số của Alexa. Chúng tôi đề xuất 10 chỉ số quan trọng các trang TMĐT nên theo dõi.

1. Tỉ lệ người truy nhập mới: Hầu hết mọi người đều không để tâm đến tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập cũ và mới. Bằng cách đánh giá riêng tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập mới, bạn mới có thể nhìn thấy rõ hơn hiệu lực của những công cụ tìm kiếm hay các chiến dịch quảng cáo của công ty.

2. Tỉ lệ quay lại của người truy nhập cũ: Không phải ai cũng mua hàng của bạn trong lần đầu tiên truy nhập Web site, chỉ có nội dung tốt, hấp dẫn mới có nhiều người quay lại Web site. Bằng cách theo dõi tỉ lệ này, bạn có thể biết Web site của bạn có được nhiều khách hàng quan tâm hay không, từ đó có chiến lược đối với nội dung Web site.

3. Số trang xem/ truy nhập: tỉ lệ này phản ánh sự hấp dẫn site đối với người xem. Việc tăng tỉ lệ trang xem/ truy nhập chỉ ra nội dung của bạn đang được người đọc quan tâm bằng việc người xem dành thời gian để xem các trang. Tuy nhiên một tỉ lệ cao cũng có thể là do quy trình thanh toán và xem sản phẩm phức tạp quá mức cần thiết.

4. Số hàng/ đặt hàng: Bạn nên có một công cụ theo dõi bao nhiêu hàng được xem trên một lần đặt hàng. Điều này giúp bạn tìm hiểu được hành vi của người mua hàng để từ đó đưa ra chiến lược marketing và bán hàng phù hợp hơn.

5. Giá trị đặt hàng trung bình: Tuỳ theo từng lĩnh vực kinh doanh mà giá trị đặt hàng trung bình sẽ khác nhau, chính vì vậy mục tiêu về giá trị trung bình của bạn cũng khác nhau. Tuy nhiên nếu bạn đo lường giá trị này thường xuyên, bạn sẽ có thông số giữa các năm, điều này hỗ trợ cho marketing rất nhiều.

6. Tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập: Sự kiện này xảy ra khi một người truy nhập một trang trên site của ban và cũng ngay lập tức họ nhấn chuột rời bỏ Web site ra không quay trở lại. Tỉ lệ bỏ Web cao có thể do nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố thời gian tải Web chậm, nội dung không phù hợp với người truy nhập, thiết kế giao diện không cuốn hút, ...
Bạn nên theo dõi liên tục tỉ lệ bỏ Web này trong các trang Web quan trọng bao gồm trang chủ và những trang có SEO hoặc PPC.

7. Thời gian tải trang Web: Như đã đề cập, thời gian tải trang Web chậm có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập cao. Bạn nên kiểm tra thời gian tải trang Web với nhiều tốc độ kết nối hoặc với các công cụ kiểm tra trực tuyến.

8. Nguồn truy nhập vào Web site của bạn: Với công cụ Google Analytics cho phép bạn theo dõi nguồn truy nhập theo 3 danh mục: Truy nhập trực tiếp (bằng cách gõ trực tiếp URL Web site của bạn), Truy nhập từ kết quả tìm kiếm (kết quả trả về bao gồm cả SEO và PPC), cuối cùng là từ các site tham chiếu (từ bất cứ site nào liên kết đến Web site của bạn). Tuỳ theo mỗi site mà tỉ lệ truy nhập có khác nhau, tuy nhiên nếu số lượng người truy nhập trực tiếp tăng lên, điều này đồng nghĩa với thương hiệu của bạn đang được nhiều người quan tâm.

9. Số lượng đặt hàng trên mỗi khách hàng trong một năm: Con số này cho bạn biết một người khách hàng đặt hàng bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian. Đây là một công cụ tốt cho phép bạn xác định bạn nên chi bao nhiêu tiền cho marketing hoặc làm marketing lại.

10. Tỉ lệ huỷ bỏ thanh toán/ giỏ hàng: Bạn nên đo lường tỉ lệ phần trăm số khách hàng rời bỏ thanh toán/ giỏ hàng trong từng bước thanh toán. Chẳng hạn: bao nhiêu phần trăm khách hàng rời bỏ sau khi đưa sản phẩm vào giỏ hàng? Sau khi nhập thông tin hoá đơn, vận chuyển? Sau khi nhập thông tin thẻ tín dụng? Tỉ lệ rời bỏ quá cao là dấu hiệu của quy trình thanh toán không tốt.

Trong bài tiếp theo tôi sẽ đưa ra các chỉ số đánh giá một Blog.
Bài viết có tham khảo Web site Web Marketing Today, Bộ Thương Mại Việt Nam

Sally

Web Design 2.0: Xu Hướng Mới

Đã từ khá lâu khi những trang Web 2.0 dùng các hình khối có góc tròn (rounded-corner) và những đường cong như một tiêu chuẩn trên giao diện. Nhưng những xu thế mới trong thiết kế trở về với những đường thẳng có vẻ đang được ưa chuộng.

Một số website tiêu biểu
Trước hết chúng ta hãy xem một số trang chủ mà chắc cũng giống như tôi các bạn sẽ phải thốt lên “Oh, cool!”. Đây là những website tiêu biểu cho xu hướng thiết kế mới hiện nay.

1. Shoeboxed.com
http://www.shoeboxed.com là một trang web giúp bạn theo dõi các hóa đơn mua hàng và chia sẻ việc mua sắm của mình với bạn bè. Dịch vụ này có vẻ được ưa chuộng ở phương Tây vì họ rất “tính toán” trong việc mua bán.


Bảng màu chính:


2. Wishlistr.com
Có bao giờ bạn cảm thấy lúng túng khi đi mua quà mừng thôi nôi, sinh nhật hay tân gia một ai đó vì chẳng biết “thân chủ” muốn cái gì? Với tính thực dụng cố hữu, người phương Tây thường tạo ra một “Wish List” liệt kê danh sách những thứ mình mong muốn; nhìn vào danh sách này bạn sẽ biết chắc mình nên mua gì. Nhưng sẽ ra sao nếu có hai hay nhiều người hơn cùng mua một món quà? Dịch vụ web wishlistr.com sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp. (Ở Việt Nam thì hơi khác, trong đa số trường hợp chúng ta đều có thể dùng… phong bì.


3. Church Plant Media
churchplantmedia.com là một dịch vụ CMS (content management system). Nếu bạn muốn tạo ra một cool website tương tự như họ thì đây là địa chỉ nên tìm đến.

Bảng màu chính:


4. Corking Design
corkingdesign.co.uk là một công ty thiết kế web chuyên nghiệp. Tất nhiên website của họ phải thể hiện điều đó.


Bảng màu chính:


5. Revolver
Revolver là trang web giới thiệu một công cụ cùng tên giúp bạn dễ dàng thay đổi hình nền hay tạo các showcase hình trên trang web của mình.


Bảng màu chính:


6. YikeSite
YlikeSite là một CMS khác nhưng chức năng đơn giản hơn Church Plant Media, chủ yếu giúp bạn tạo ra các website tĩnh giới thiệu công ty/dịch vụ của mình.


Bảng màu chính:


Một số website khác:

Blogadda.com


Dibusoft


Enrichment


HyperPixel Design


NetNova


Studio3K


Xu hướng thiết kế

Chúng ta dễ dàng nhận thấy thiết kế layout cùa các trang web trên dùng chủ yếu là các dải màu thẳng kéo dài hết màn hình. Các phần của trang web được phân cách bằng các dải màu sắc tách biệt chứ không dùng các đường biên (border). Màu nền đậm (hay nổi hơn) ở phía trên và nhạt dần (hay chìm hơn) ở các phần dưới, tùy theo nội dung mà trang web muốn nhấn mạnh.

Ở phần header, chúng ta thường chỉ thấy logo trang web và menu định hướng đơn giản, làm cho người dùng chú ý hơn tới phần nội dung phía dưới. Các biểu tượng sinh động, rõ ràng giúp ta rất dễ nắm bắt các nội dung, chức năng quan trọng nhất mà trong web cung cấp. Chúng ta không thấy có hình người nào trong các trang web này mà thay vào đó là các hoạt hình khiến người dùng có cảm giác dịch vụ trang web cung cấp rất dễ sử dụng.


Ngoài ra các biểu tượng (icons and badges) cũng giúp nhấn mạnh các chức năng mà website cung cấp.


Menu định hướng của các trang web này rất rõ ràng, ít mục và không có nhiều tầng giúp cho người dùng không bi lạc vào mê cung các mục menu cha, con, cháu chắt… mà có thể đến nơi cần tới chỉ với một cú nhấp.


Nhận xét chung

Khỏi cần phải ca ngợi về độ chuyên nghiệp mà các nhà thiết kế thế hệ 2.0 đã đạt tới, ưu tiên hàng đầu cho một trang web hiện nay là giúp người dùng cảm thấy dễ nắm bắt, dễ sử dụng các chức năng mà dịch vụ web đó cung cấp. Việc sử dụng đúng màu sắc, biểu tượng là cả một nghệ thuật, nó nói lên trình độ của nhà thiết kế nhưng quan trọng hơn là nó làm nổi bật trọng tâm của trang web.

Cách đây hơn một năm trong một bài viết khác tôi đã đề cập tới những yếu tố căn bản của design 2.0 như sử dụng div layout, CSS, XHTML… Tôi có thể nhận thấy hầu hết các trang web 2.0 của Việt Nam đã đi theo xu hướng thiết kế này, kết quả là chúng ta có những giao diện thanh thoát hơn, dễ định hướng hơn. Nhưng cũng phải nói là không có nhiều website đạt tới trình độ hoàn hảo như các trang web mà chúng ta vừa điểm qua. Điều dễ nhận biết là vai trò của designer trong quyết định bố cục các trang web tại Việt Nam không lớn và họ thường phải thỏa hiệp với xu hướng bày tất cả ra mặt tiền của ban lãnh đạo. Có vẻ như chúng ta còn phải học hỏi nhiều từ các đồng nghiệp phương Tây.

Sally sưu tầm, Hồng Quang dịch
(Theo StyleIgnite)

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Các lỗi thường gặp khi thiết kế trang web

Các lỗi thường gặp khi thiết kế trang web

Ảnh minh họa: Mmb.

Phân chia các mục không rõ ràng và khó tìm kiếm khiến người xem cảm giác "lạc đường" trên website. Ngoài ra, một số thiết kế còn để quá nhiều ảnh động, pop-up... gây rối mắt.

1. Link đơn thuần là để nhấn chuột

Nếu cho rằng cứ có một đường link là người xem sẽ nhấn vào, người làm web đã sai lầm. Một click, hai click, ba click... rồi họ sẽ bỏ đi nếu không tìm thấy ngay mục họ cần ở những cái nhấn chuột đầu tiên.

2. Nhấn chuột vào các biểu tượng màu mè

Nhiều người bỏ nhiều công sức để thiết kế các kỹ thuật tương tác và di chuyển mục nọ sang mục kia rất rườm rà, lạ mắt. Tuy nhiên, không nên đặt cho chức năng đơn giản này một hình thức quá lạ lùng vì người sử dụng cần nhất sự nhanh chóng khi di chuyển trên web.

3. Hãy chiêm ngưỡng những bức ảnh

Một số website đưa ảnh có dung lượng lớn ngay trên trang chủ, khiến người xem phải chờ rất lâu trước khi biết trong trang có những mục gì. Do đó, nếu thấy rằng không thể cải thiện tốc độ truy cập, nhà thiết kế cần đặt ảnh nhẹ hơn và dùng kỹ thuật chỉnh sửa để bức ảnh vẫn sắc nét.

4. Gắn chặt với tập lệnh (script)

Các ngôn ngữ script rất hữu ích trong việc thiết kế nhiều tiện ích trên web nhưng có một số trường hợp bạn bấm vào link thấy thông báo lỗi script. Do đó, ở những chỗ HTML hoạt động tốt thì không cần dùng scripting.

5. Trình diễn quá nhiều thứ

Vô số hình ảnh động đậy, các biểu tượng sao sa bay lướt qua màn hình, âm thanh tưng bừng cho mỗi mục, cửa sổ pop-up nhảy ra tứ tung... là những thứ không khác nào một biển báo: "Tránh xa tôi ra".

6. Quên đặt chữ ở nơi cần thiết

Nhiều trang chú trọng đặt ảnh một cách hoa mỹ (thường thấy ở website thuộc lĩnh vực mỹ thuật) mà không cho người xem thấy ngay từ đầu chủ điểm chính của trang, thông tin hoạt động và địa chỉ liên hệ. Một số ảnh không có chú thích khiến độc giả "biết để đấy" mà không hiểu sâu hơn điều gì.

7. Thừa chữ, sai ngữ pháp

Độc giả thường đọc lướt rất nhanh nên các từ khóa thể hiện rõ bản chất của trang cần được làm nổi bật. Họ sẽ mau chóng bỏ qua những bài viết rườm rà, dây cà ra dây muống và chứa nhiều lỗi ngữ pháp, chính tả.

8. Bảng màu lóa mắt

Nhà thiết kế nên chú trọng tính giản dị khi đặt các tông màu cho từng khu vực vì mắt người xem dễ mỏi trong lúc nhìn màn hình máy tính. Thường thì phần văn bản và các tiêu đề của trang cần làm nổi bật trên nền nhạt.

9. Kết cấu các mục thiếu định hướng

Điều khiến người xem thích nhất khi vào một trang web là họ có thể làm chủ "đường đi" của mình qua các phân loại. Họ biết mình đang đứng ở đâu, tìm được cái gì và chắc chắn tìm thấy nó vài ngày sau gặp lại. Một số trang đặt chế độ hiển thị ngẫu nhiên, xáo lại các bài đăng từ lâu hoặc đặt bài vào mục không tương ứng, khiến người xem mất định hướng.

10. Để nhiều định dạng file khác nhau

Một trang đưa nhiều tập tin để tải nhưng chỗ này là file Word, chỗ kia là file PDF, khiến người ta rối mắt. Tốt nhất, hãy đưa về định dạng đọc ngay trên nền web.

T.H. (theo eWeek)

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2007

Hội chợ phù hoa

Hội chợ phù hoa

TTCN - Bài viết này không nhằm mục đích bàn đến tiểu thuyết nổi tiếng Hội chợ phù hoa (Vanity fair) của William Makepeace Thackeray, chỉ mượn tựa để nêu lên một vấn đề đáng suy nghĩ trong giới trẻ Việt Nam hôm nay: sở thích tiêu xài để chứng tỏ mình “bằng chị bằng em”.

Cách đây vài tuần, anh chàng giữ xe trong một quán cà phê nọ ở Sài Gòn vừa dắt xe cho tôi vừa hỏi: “Chừng nào chị về “bển” lại?”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Bển nào? Người Việt mà”, anh chàng khăng khăng: “Chị ơi, chị là Việt kiều em cũng không lấy tiền thêm đâu, giấu làm gì! Người Việt bây giờ ai mà đi chiếc Cub 81 như chị” (?).

Kể chuyện cho mấy đứa bạn cũ, tụi nó cười ngặt nghẽo: “Thì đúng rồi, thời buổi này mấy ông chạy xe ôm còn đi xe xịn hơn”.

Quả thật, mới xa nhà có mười mấy tháng (chứ không phải mười mấy năm đâu nhé) mà tôi thấy mình quê mùa hết sức. Ngoài đường phố Sài Gòn bây giờ chạy toàn xe tay ga @, Dylan, Spacy, hay chí ít cũng Attila. Vậy là tôi trở thành Việt kiều trong mắt anh chàng nọ - và có lẽ của nhiều người khác không biết chừng - nhờ đi chiếc Honda cũ kỹ.

Có điều chiếc xe “bôi bác” như nguyên văn lời đám bạn tôi mô tả này rất có ích trong những quãng đường ngập nước, ngay cả khi những chiếc xe máy đắt tiền chủ xe phải khổ sở xuống dắt bộ. Cô bạn thân lương mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng, mỗi lần gặp là than thở những khoản đám cưới, sinh nhật... ngốn hết số tiền còm cõi, nhưng vẫn tậu cho mình một chiếc xe tay ga xịn đàng hoàng. “Rồi xe hư tiền đâu mà sửa?”.

Cô nàng cười: “Thì tới lúc đó tính, chứ bây giờ ai cũng đi xe này, mình đi mấy chiếc cũ quê thấy mồ! Ở Sài Gòn còn đỡ, ra Hà Nội mà coi. Xe Dream, Wave đã lạc hậu sáu, bảy năm nay rồi đó”.

Tôi có đọc một bài về tình hình xe máy ở VN, những con số đáng giật mình. Bộ Công nghiệp đã dự đoán đến năm 2010 số lượng xe máy được sử dụng ở VN sẽ lên đến 16,6 triệu chiếc. Việc người người đua nhau mua xe “xịn” làm tôi nghĩ ngay đến tâm lý “sức ép từ những người đồng trang lứa” (tạm dịch từ tiếng Anh: peer pressure), khi ta tự nhiên cảm thấy phải làm một điều gì đó vì xung quanh ta ai cũng làm, hay phải sở hữu một món đồ cho bằng được vì món đồ ấy xung quanh ta ai cũng có.

Đánh vào tâm lý này, các nhà sản xuất tha hồ hốt bạc ở VN vì nói theo ngôn ngữ bình dân, “người Việt nghèo mà ham xài sang”. Có lần tôi sang Thụy Sĩ, thấy ngoài đường chạy xe đời cũ của Toyota hay Ford, có cả xe Hàn Quốc nữa, mới bảo anh bạn người địa phương: “Cứ tưởng dân Thụy Sĩ giàu ai cũng chạy Audi với BMW” thì được biết: “Có xe gì chạy xe nấy chớ, miễn là còn tốt, không hao xăng, không chết máy thì thôi”.

Mới đây tình cờ đọc cuốn Mười vạn câu hỏi vì sao có đề cập đến sức ép tâm lý này (mà sách gọi là “hiệu ứng theo đàn”), tôi thấy câu trả lời khép lại với: “Nói chung, người có trí thông minh càng cao, tinh thần càng vững và quan điểm riêng càng mạnh, càng khó hành động mù quáng theo đàn”.

Mà phải đâu giới trẻ VN mình không thông minh? Những giải thưởng quốc tế về giáo dục cũng như việc sinh viên ta ở nước ngoài lúc nào cũng học tập xuất sắc hơn người chứng tỏ trí thông minh chúng ta có thừa. Vậy phải chăng tinh thần giới trẻ chúng ta không vững và quan điểm riêng không mạnh, nên nếu hình thức bề ngoài không “sang trọng”, đắt tiền bằng người khác lại cảm thấy bất an?

Tuần trước, tôi đang đi dạo quanh Diamond Plaza tìm mua một ít đồ dùng (mỏi cả chân cuối cùng cũng chỉ mua được... một cái gối vì đồ trong này mắc quá) thì có tin nhắn trong điện thoại cầm tay. Sau khi tôi đọc xong tin nhắn và gửi trả lời, định cất máy vào túi, có một đôi bạn trẻ khoảng chừng 19, 20 tuổi bước lại hỏi: “Chị mua cái Motorola này ở nước ngoài phải không chị?”.

Đúng là chiếc điện thoại này khá hiện đại, tôi được tặng và đã dùng hơn một năm ở Anh, nay đem về VN dùng luôn, nhưng bề ngoài rất bình thường không có vẻ gì “lộng lẫy” như trong những quảng cáo điện thoại di động nhan nhản trên các phương tiện thông tin ở đây hết. Tôi gật đầu xác nhận nhưng vẫn không giấu vẻ ngạc nhiên: “Bộ hai đứa em bán cửa hàng điện thoại hay sao mà rành quá vậy?”.

Cô gái nọ liếc anh bạn trai đi cùng: “Thấy chưa?” rồi trả lời tôi: “Thì mua xài, rồi đổi điện thoại mới riết rành luôn. Cái điện thoại của chị ở VN không có đâu”. Khi tôi hỏi còn trẻ lấy tiền đâu đổi điện thoại mới hoài thì anh chàng nhún vai: “Ông già bà già cho chớ đâu”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường GFK Asia Pte, trong sáu tháng đầu năm 2005, 1,6 triệu chiếc điện thoại mới đã được bán hết trên thị trường VN, gấp đôi dự đoán ban đầu, và con số này còn có thể cao hơn nữa vào sáu tháng cuối năm nay. Quả là một mảnh đất màu mỡ cho các đại gia trong ngành sản xuất điện thoại di động.

Khi ngồi dự một đám cưới, điện thoại anh bạn từ thời đại học ngồi cùng bàn tôi réo inh ỏi. Anh đang nghe chiếc này thì từ trong túi một chiếc điện thoại nữa réo lên, lại phải lập cập xin lỗi người ở đầu dây bên kia để ngừng nói chuyện. Anh xong hai câu chuyện ở hai máy, tôi tính hỏi “Sao phải làm khổ mình vậy trời!” nhưng thôi. Mà đây không phải trường hợp hiếm hoi, rất nhiều người bạn của tôi có hai điện thoại cùng lúc, toàn loại không mới nhất cũng mới nhì trên thị trường.

Mà cơ khổ, sở hữu nhiều điện thoại nên có lúc nào được yên đâu. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những tác hại của điện thoại di động đến não bộ và cơ thể nếu dùng trong thời gian dài, và còn cảnh báo đến việc dùng điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe trẻ em. Nhưng dường như người tiêu dùng VN, đặc biệt là giới trẻ, vẫn bỏ ngoài tai.

Chuyện “hội chợ phù hoa” của VN không chỉ dừng lại ở đó. Tôi theo bà chị ruột đang là giám đốc marketing và PR cho một khách sạn năm sao ở Sài Gòn đến khu Parkson của Saigontourist, mà theo lời bà chị, “dẫn em đi cho biết chứ mỗi lần tới đây chị không mua được gì hết á!”.

Quả thật những nhãn hiệu như Dolce & Gabbana hay Versace, ngay cả người nước ngoài cũng phải dân thật giàu mới mua nổi, lại được bày bán trong này và vẫn có khách hàng. Lúc chúng tôi còn đứng ngoài cửa, một chiếc Mercedes Kompressor bóng lộn dừng lại cho một cô nàng trẻ măng đỏng đảnh bước xuống đi vào. Bà chị tôi bảo: “Mấy con nhỏ đang trong thời kỳ cố gắng “hôi của” từ mấy ông bồ đó mà!”.

Chuyện này làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi nhớ thời ở Anh, anh bạn thân học cao học cùng trường chở tôi về nhà chơi. Ngang qua một ngôi nhà nọ cách nhà anh khoảng 1km, anh chỉ: “Hồi học cấp II, tôi đi giữ em cho nhà này nè”.

Ba mẹ anh khá sung túc và ở một khu rất giàu có gần London, chỉ riêng ngôi nhà đã được định giá với số tiền bảng Anh tương đương hàng triệu USD. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đi giữ em bao lâu? Rồi anh có làm gì nữa không?”. “Giữ em khoảng một năm. Hồi nhỏ hơn có đi giao báo, rồi lúc học đại học nghỉ hè đi làm thu ngân siêu thị nữa”.

Giọng anh rất thản nhiên, không tự hào cũng không xấu hổ, như thể đó là một điều rất bình thường. Mà quả đó là một điều rất bình thường, chỉ có điều khi nghĩ về những cô nàng trẻ đẹp trong thời kỳ đi “hôi của”, hay những bạn trẻ thỏa sức lấy tiền cha mẹ đổi điện thoại di động và mua xe đời mới ở VN, tôi lại thấy nao nao trong lòng.

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

-- ST TTCN

Non-“Những người làm thuê số 1 Việt Nam”

Đã có hẳn một cuốn sách về “Những người làm thuê số 1 Việt Nam”, đã có những người làm thuê được mệnh danh “cô gái triệu đô” hay “chàng trai bạc tỉ”. Đó là những con số gắn với thu nhập, tài sản hay số tiền mà họ mang về cho những nơi họ gắn bó, làm việc. Họ là mục tiêu của những công ty “săn đầu người”, sự chuyển dịch của họ từ nơi này sang nơi khác luôn gây xôn xao và gắn với nhiều thăng trầm trong thương trường của các công ty, các tập đoàn kinh doanh. Thế nên làm thuê mà giàu...


Tôi có một anh bạn từng hai lần làm thuê cho một tập đoàn truyền thông lớn ở VN, hai lần vào hai lần ra vì không chịu được những áp lực khác nhau của những người làm chung với mình dù lần nào anh cũng làm việc ở vị trí top persons (những người đứng đầu) trong tập đoàn đó. Chỉ khác ở chỗ lần thứ hai ra đi anh ôm theo cả đống cổ phiếu luôn thuộc dạng “blue-chip” để rồi khi cơn sốt chứng khoán tại VN đang hot nhất, hằng ngày anh chỉ ngồi nhà lên mạng theo dõi giá sau đó bán ra mua vào chỉ bằng những cú điện thoại. Và lần nào gặp cũng thấy anh luôn miệng than phiền vì sự buồn bã nhàm chán của cuộc sống khi không đi làm, than vãn vì ở nhà mà thấy chán vợ và vợ cũng chán mình, tiền nhiều mà chợt hiểu tiền không mua được niềm vui hay hạnh phúc.

Anh bạn tôi làm những bản CV hoành tráng, mô tả công việc trước đây của mình để gửi cho các công ty chuyên “săn đầu người” nhưng không may là cho đến giờ anh vẫn chưa được nhận vào bất cứ vị trí nào của bất cứ công ty nào. Lý do thì tôi chịu, nhưng nhiều người bạn mời anh hợp tác với hình thức góp vốn rồi làm chủ, anh cũng từ chối với nhiều lý lẽ như họ không hợp mình hoặc đơn giản là vợ của anh bạn nọ đang can thiệp quá nhiều vào công việc chung giữa mọi người. Mở công ty riêng thì anh bạn tôi lại ngại, vì anh muốn phải chắc thắng, phải chắc chắn có thị trường, phải chắc chắn có lãi và quan trọng là không đổ nhiều tiền vào đó. Nên bây giờ anh vẫn ngồi chơi đùa với số cổ phiếu để biết mình là người giàu và đang có “nỗi buồn sang trọng” vì thấy cuộc sống vô vị quá khi không có một công việc để hằng ngày lái xe đến công sở, ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc và “làm thuê”.

Đó là những người có một tâm thế “làm thuê” thay vì mang trong mình tâm thế “làm chủ”. Họ luôn cần biết trên đầu có một mái nhà che mưa nắng đã được làm sẵn thay vì tự tay làm cho mình, làm theo ý mình. Họ không dám phiêu lưu, thường lựa chọn sự an toàn thay vì chấp nhận thử thách. Rất dễ nhận ra những người như vậy xung quanh chúng ta bởi tập hợp của họ luôn biến thành một cộng đồng mang tính nhân công hơn là sáng tạo. Họ có thể rất giỏi khi ngồi ngay cả ở vị trí cao nhất của một tập đoàn kinh tế, có những quyết sách chính xác đem lợi nhuận về cho công ty ở mức cao nhất, nhận những mức thưởng “không tưởng” là % của số lãi ròng họ làm ra. Nhưng họ vẫn không phải là những người làm chủ. Họ là những người làm thuê số 1- là đích ngắm của các công ty “săn đầu người” và nhiều người trong số họ hài lòng với tâm thế làm thuê ấy của mình đến hết đời.

Có nhiều người nghĩ khác. Câu slogan của hãng máy tính Apple một thời là “think different” cũng chính là sự khẳng định chiến lược của hãng này trong việc kinh doanh các sản phẩm trên một chiếc bánh thị trường mà các phần đều đang rất giống nhau. Đến tận hôm nay, máy tính Apple vẫn rất khác với các dòng máy tính thông dụng trên thế giới, nó rất khó bị nhiễm virus, không phổ cập để sử dụng nhưng tạo đẳng cấp cho người sở hữu. Nghĩ khác trong công việc là những bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ham muốn được làm chủ. Họ đã âm thầm xây dựng kế hoạch kinh doanh, đi lên từ những số vốn nhỏ thậm chí gom góp từ học bổng hay chấp nhận đi làm thuê để có đủ vốn là bung ra làm chủ.

Tâm thế làm chủ ngay từ khi bước những bước đầu tiên để trưởng thành ấy là nền tảng cho cả một cuộc sống cá nhân sau này. Ngạn ngữ phương Tây có câu “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Những người trẻ hôm nay đã biết cách gieo những mầm đầu tiên của ý thức tự chủ, tự cường. Chọn con đường khó đi để mà đi là cách mà người trẻ khẳng định mình dù vẫn biết cày trên mảnh đất cũ không phải là xấu - vấn đề là biết cày vỡ những gì người khác chưa cày. Nhưng còn gì thú vị hơn những khám phá bắt nguồn từ một thái độ “dám sống”? Đặt những viên gạch hoạch định một tương lai cho chính cuộc đời mình bằng một tâm thế của người làm chủ, hôm nay làm chủ tương lai, ngày mai làm chủ cuộc đời của chính mình là một thái độ sống đáng khâm phục.

Thế nên trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi chợt thấy bạn bè mình dù rất thành đạt với những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn nung nấu một khao khát, bao giờ được làm những cái của mình, cho riêng mình vì sự đam mê và những thử thách chưa biết trước. Họ đang “làm thuê” để chuẩn bị cho tâm thế làm chủ ngày mai, và mỗi người có một lựa chọn khác nhau cho sự khởi đầu của mình, người sớm, người muộn, người thành công và kẻ phải trả giá. Nhưng biết ước mơ và khao khát khẳng định bản lĩnh sống của mình để chọn điểm rơi chính xác. Điều đó không bao giờ là quá muộn.

Lê Thị Thái Hòa

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

3O: Obsession - Optimism - Obligation

Ba chữ O dẫn đến thành công


Obsession (Ám ảnh): Hãy suy nghĩ kỹ chữ O đầu tiên này. Thử hỏi chính bản thân bạn xem, nếu bạn luôn ám ảnh, luôn băn khoăn, tiềm thức của bạn luôn hướng về sự thành công, khi đó bạn có chịu ngồi yên một chỗ không? Chắc chắn bạn sẽ xoay xở, phấn đấu, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu mong muốn

Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không “dung thứ” cho bất cứ sự lười biếng hay buông xuôi nào. Bạn sẽ luôn tự nhủ: “Tôi sẽ thành công”.

Optimism (Lạc quan): Người lạc quan là người luôn suy nghĩ tích cực, luôn phấn khích, nhiệt huyết với cuộc sống, luôn biết ơn và không hay phàn nàn, than vãn. Lạc quan để đam mê và phấn đấu trong công việc, lạc quan để vượt qua những áp lực, lạc quan để đứng dậy sau thất bại, lạc quan để sáng tạo và mạnh dạn hơn trong công việc.

Obligation (Nghĩa vụ): Người chiến thắng là người luôn xác định nghĩa vụ của bản thân. Nếu bạn chỉ chăm chăm nghĩ xem mình sẽ được lợi gì trong công việc này, bạn không thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Ngược lại, khi đã xác định: Mình có nghĩa vụ phải hoàn thành công việc này, bạn sẽ làm việc có trách nhiệm và nguyên tắc hơn.

--ST NLD.COM.VN

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2007

Khi trước mặt là núi...




Sẽ phải làm gì khi con đường trước mặt là một quả núi? Tìm một con đường khác bằng phẳng hơn để đi hay chấp nhận thử thách leo núi.

Nếu tự cho mình là dũng cảm để leo núi thì sẽ có 2 kết cục: hoặc là thành công đứng trên đỉnh núi hoặc là thất bại,quay trở lại hay rơi xuống vực. Đã chấp nhận leo núi thì không có cái kết quả gọi là nửa vời, ở giữa lưng chừng núi.

Mà trong cuộc leo núi này, khả năng thành công là bao nhiêu? Không đủ sức. Không đủ tự tin ở bản thân. Hay là chưa quyết tâm?

Dù cho khả năng thất bại rất lớn, cũng phải tập leo núi thôi. Phải leo thì mới biết khả năng mình đến đâu. Phải leo mới biết mình sẽ thành công hay thất bại.

Nếu rơi xuống vực, sẽ vẫn còn thời gian để tìm con đường khác. Và phải tự an ủi mình bằng câu: thất bại là mẹ thành công. Nhớ ngày còn bé, trong một lần đi bơi ở hồ, không biết bơi, nhưng gan lỳ vùng vẫy ra xa, không thể bơi trở lại, sắp chìm, bố thì ở rất xa, may có người nhìn thấy nhảy xuống cứu. Đã có một thời gian rất sợ xuống nước, nhưng kết cục là bây giờ biết bơi.

Còn có những câu chuyện này nữa:

- Walt Disney từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.

- Lev Tolstoy, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình, từng bị đình chỉ học đại học vì "vừa không có khả năng, vừa thiếu ý chí học tập".

- Henry Ford thất bại và cháy túi tới 5 lần trước khi thành công.

-- ST from Litte'blog

Make your own Aquarium Computer with pure oil

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2007

5 tính cách không nên “nuôi dưỡng” ở chỗ làm

5 tính cách không nên “nuôi dưỡng” ở chỗ làm

Giận dữ là cách nhanh nhất để phá huỷ sự nghiệp của bạn.

Có những tính cách, dù là “cha sinh mẹ đẻ”, bạn không nên giữ; nếu không bỏ được cũng nên học cách hạn chế tối đa thể hiện ở công sở.

Kiêu ngạo

Bạn luôn nhận hết công lao về mình, không chia sẻ thành tích với bất cứ ai. Bạn tỏ ra là người giỏi nhất cơ quan, việc gì cũng làm được nhưng chưa bao giờ bạn có ý định giúp đỡ “con nhóc” mới vào cơ quan làm việc. Bạn vênh váo và tự đắc khi anh chàng đồng nghiệp làm hỏng việc và thản nhiên khoe rằng nếu sếp để bạn làm việc đó thì đâu đến nỗi.

Trên đây chỉ là một trong những màn kiêu ngạo mà bạn dựng lên, nhằm phá huỷ chiếc cầu nối bạn với những người xung quanh.

Đố kỵ

Bạn ít khi thừa nhận thành tích và năng lực của đồng nghiệp, bạn dèm pha rằng cậu ta đã “chạy” chiếc bằng đại học,... Cư xử như vậy sẽ tác động tiêu cực tới chính khả năng tập trung vào công việc của bạn.

Quá ghen tỵ với đồng nghiệp có thể làm tổn hại tới lòng tự trọng của bạn, một tính cách thiết yếu của bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào.

Thay vì tỏ ra đố kỵ, hãy để những thành tích của người khác trở thành động lực, là nhiên liệu tiếp “lửa” cho bạn trong quá trình làm việc để hướng tới thành công của cá nhân bạn.

Tức giận

Tức giận là cách để phá huỷ mọi thứ nhanh nhất. Những người có tính tình nóng nảy hiếm khi được thăng tiến vì tức giận không bao giờ đi kèm với khôn ngoan.

Không ai phản đối bạn thể hiện cảm xúc nhưng bạn phải làm chủ được những cảm xúc ấy để biến nó thành hành động có lợi cho bạn.

Lười biếng

“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Tính cách này khiến bạn trì trệ, đầu óc ì ạch, ít vận động dẫn tới thiếu nhạy bén. Mới đầu thì không sao, nhưng dần dần, nó sẽ ăn sâu vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn. Đến lúc đó bạn chỉ biết ngồi và ngắm nhìn người khác vượt qua bạn và đạt được thành công.

Đừng hy vọng rằng những thành tích và thành công trong quá khứ sẽ giúp bạn luôn băng băng tiến bước trong sự nghiệp lâu dài của mình.

“Đứng núi này trông núi nọ”

“Cỏ luôn luôn xanh bên nhà hàng xóm”. Câu ngạn ngữ này cũng có thể áp dụng với môi trường công sở. Chỉ biết tập trung thời gian vào những thành tích làm việc của đồng nghiệp mà quên không hoàn thành nhiệm vụ của mình; lúc nào cũng cho rằng đồng nghiệp đang ngồi ở vị trí “béo bở” hơn; nghĩ rằng đáng ra mình nên ngồi ở Công ty A thì có phải mình đã lên chức trưởng phòng rồi không. Thay vì ngồi suy nghĩ vẩn vơ như thế, bạn hãy bắt tay vào làm đi.

Phước Đại

Theo CareerBuilder

Email chuyên nghiệp

Email chuyên nghiệp


Đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ các nhân viên ngày nay không chú trọng đến hình thức, nội dung các email mà họ gửi đi hàng ngày; bên cạnh đó họ chưa khai thác hết tính năng của các chương trình kiểm tra email nhằm phục vụ cho công việc của mình. Những email xấu về hình thức (viết sai chính tả, font chữ rườm rà), nội dung không đi thẳng vấn đề… có thể khiến đối tác, khách hàng đánh giá thấp tác phong làm việc của họ.

Bởi vậy bạn cần chú ‎ một số nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng thư điện tử trong công việc hàng ngày.

1. Việc sử dụng email trong công việc hàng ngày cần tuân thủ Pháp luật và các nguyên tắc của mỗi công ty đề ra. Phát tán tài liệu khiêu dâm; khủng bố, tấn công người khác qua email; chống phá chính quyền; tiết lộ bí mật công ty… là những lỗi “chết người” trong việc sử dụng email.

2. Soạn thảo email công việc càng ngắn càng tốt, tập trung vào những vấn đề mấu chốt. Hãy bám theo tiêu đề các công việc bạn cần giải quyết trong email, tránh “lái” sang các vấn đề khác, ngoại trừ việc giải thích, nêu lí do sự việc. Đó chính là điểm khác nhau giữa email công việc và email cá nhân.

3. Tiêu đề email phải bao quát được nội dung bạn cần giải quyết. Với những người cần giải quyết một khối lượng lớn công việc qua email, thì tiêu đề giúp họ dễ dàng nhận biết, quản lí thư điện tử. Bạn cần tránh việc gửi email mà không đặt tiêu đề. Bên cạnh đó, hạn chế việc lạm dụng sử dụng các từ QUAN TRỌNG hoặc KHẨN CẤP trong tiêu đề email; hãy để dành những từ đó cho những dịp xứng đáng hơn.

4. Cần chú trọng lỗi chính tả và hình thức email, nó thể hiện sự chuyên nghiệp và khoa học của nhân viên. Cách tốt nhất để kiểm tra lỗi chính tả là bạn bật chế độ tự động kiểm tra của máy tính, hoặc tự kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi thư. Một bức email nhiều lỗi chính tả thể hiện sự thiếu tôn trọng đối tác và khách hàng. Email nên sử dụng câu ngắn, giữa các đoạn cần cách dòng để bức thư được rõ ràng đối với người đọc.

5. Sử dụng file đính kèm đã được ghi chú một cách khoa học. Tên file đính kèm phải rõ ràng, đặt theo trình tự thời gian hoặc nội dung công việc. Ngoài ra bạn cần kiểm tra kẻo gửi nhầm file chưa hoàn thiện cho đối tác và khách hàng, điều này cho thấy bạn làm việc không cẩn thận chút nào! Với các file được đặt tên tiếng Việt, bạn nên sử dụng chữ Việt không có dấu để tránh trục trặc khi người nhận mở file.

6. Có ba thói quen khiến người nhận email rất bực mình, đó là viết hoa toàn bộ nội dung, font chữ to nhỏ không đều, chữ in đậm, in nghiêng và màu sắc được sử dụng bừa bãi. Việc viết hoa chỉ nên áp dụng đúng nguyên tắc của nó, nếu bạn viết hoa toàn câu thì một số đối tác nước ngoài sẽ hiểu rằng bạn đang la hét họ. Tương tự, màu sắc, kiểu chữ nghiêng hay đậm cần thống nhất, giữ cho hình thức bức thư lịch sư, thanh nhã.

7. Bạn nghĩ sao về việc viết tắt? Hãy xem email công việc như một… bài luận vậy. Mỗi lỗi viết tắt, bạn đã bị khách hàng và đối tác trừ 0.5 điểm trong tác phong và thái độ làm việc rồi đấy. Bởi vậy, những từ thông dụng như “ASAP” (càng sớm càng tốt), BTW (nhân tiện),… chỉ nên sử dụng trong email cá nhân.

8. Trong các email giao dịch cần sử dụng chữ ký cá nhân mình bao gồm tên, chức danh, địa chỉ và phone. Người nhận sẽ biết rõ bạn là ai, ở đâu, chịu trách nhiệm cho công việc nào. Đặc biệt là với những khách hàng lần đầu làm việc với công ty bạn.

9. Hãy trả lời email càng sớm càng tốt. Tại các công ty lớn, vị CEO cao nhất cũng phải giữ cho mình thói quen trả lời email sớm bởi nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và làm việc khoa học, tránh dồn công việc ứ đọng. Và cũng cần nhớ, nên đọc kỹ email trả lời ít nhất một lần trước khi click “Gửi đi”.

10. Với đối tượng “thư rác”, cách tốt nhất là bạn hãy tống nó vào ngăn rác, hoặc sử dụng phần mềm các bức thư không mời mà đến này. Việc bạn “thử” click vào thư rác sẽ giúp người gửi xác nhận địa chỉ email của bạn là thực, từ đó, bạn sẽ liên tục bị tấn công.

11. Hãy copy, forward (gửi chuyển tiếp) thư của bạn cho những người có liên quan, từ sếp đến đồng nghiệp. Việc bạn c/c email sẽ giúp những người có liên quan theo dõi công việc chung, kiểm tra lẫn nhau một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sếp cũng có thể dõi theo tiến độ công việc của cả hệ thống.

12. Bên cạnh tính năng soạn, gửi thư, email ngày nay còn được sử dụng để quản lý‎ tài liệu, thời gian biểu… Phần mềm Microsoft Outlook vẫn được ưa chuộng nhất trong các công ty, bởi nó cho phép người sử dụng kiểm tra hòm thư điện tử tại máy tính cá nhân của mình. Bên cạnh đó, tính năng lịch công tác của phần mềm này cũng cho phép người sử dụng quản lí‎ chặt chẽ công việc, sắp đặt lịch và thông báo cho người khác được biết.

Hãy tạo thói quen sử dụng email theo những nguyên tắc đơn giản trên, bạn sẽ chứng tỏ và duy trì tác phong chuyên nghiệp của mình trong môi trường kinh doanh năng động, không những thế còn tăng hiệu suất công việc.

Theo Hòa Khánh

Bwportal/Business Knowledge Source

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2007

Toàn cầu hoá: Cuối cùng đó là một trái đất phẳng

Có thể các bạn đã đọc cuốn Thế Giới Phẳng (Flat World) nhưng tôi muốn trích lượt tóm tắt để các bạn chưa đọc thấy hay để bắt đầu đọc ... hihi. Nếu ai muốn đọc nguyên văn thì liên hệ nhé. Còn một cuốn sách khác của cùng tác giả là Chiếc Xe Lexus & Cây Oliu nữa (sẽ có tóm tắt sau khi rảnh rang một chút).

Toàn cầu hoá: Cuối cùng đó là một trái đất phẳng
Thomas L. Friedman, “It’s a Flat World, After All”, The New York Times

Năm 1492 Christopher Columbus vượt biển tới Ấn Độ, đi về hướng Tây. Ông có trong tay tàu Nina, Pinta và Santa Maria. Ông chả bao giờ đến được Ấn Độ, nhưng đã gọi những thổ dân Châu Mỹ mà ông gặp là các “Indian” (“người Ấn Độ”) rồi trở về quê hương và tuyên bố với nhà vua và hoàng hậu của ông: “Trái đất tròn”. Tôi bay tới Ấn Độ 512 năm sau đó. Tôi biết mình đi về hướng nào. Tôi đi về hướng đông. Tôi ngồi ghế hạng thương gia của Lufthansa, sau đó tôi trở về nhà và thì thầm với mỗi vợ mình: “Trái đất phẳng”.

Và nằm ở đó là câu chuyện về công nghệ và kinh tế học địa lý làm thay đổi cơ bản cuộc sống của chúng ta – nhanh chóng hơn rất rất nhiều so với nhận thức của nhiều người. Tất cả điều đó xảy ra khi chúng ta đang ngủ, hay đúng hơn trong khi chúng ta đang bị cuốn hút vào sự kiện 11 tháng 9, sự phá sản của những công ty dot-com và Eron – điều đã khiến một số người tự hỏi phải chăng toàn cầu hoá đã chấm dứt? Thực sự, chính điều ngược lại mới đúng, đó là vì sao đã đến lúc phải thức tỉnh và tự chuẩn bị cho thế giới phẳng này, bởi vì những người khác đã sẵn sàng, và không còn thời gian để lãng phí nữa.

Tôi ước tôi có thể nói mình đã nhìn thấy tất cả những điều đó đang đến. Lạy thánh Alas, tôi đã chạm trán với việc trái đất trở nên phẳng một cách tình cờ. Đó là vào cuối tháng Hai năm ngoái, khi tôi đến thăm thủ đô công nghệ cao của Ấn Độ, Bangalore, để làm một bộ phim tài liệu về outsourcing [thuê làm bên ngoài] cho kênh truyền hình Discovery Times. Nhanh và không ồn ào, tôi đã phỏng vấn một nhà khởi nghiệp Ấn Độ, người muốn chuẩn bị các hồ sơ thuế của tôi từ Bangalore, đọc phim X quang của tôi từ Bangalore, truy tìm hành lý bị thất lạc của tôi từ Bangalore và viết phần mềm mới cho tôi từ Bangalore. Càng ở lại Bangalore, tôi càng thấy khó chịu, sự khó chịu khi nhận ra trong khi tôi đi đưa tin về các cuộc chiến 11 tháng 9, toàn cầu hoá đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, và tôi đã không thấy nó. Tôi nghĩ thời điểm bừng tỉnh đã đến trong một cuộc viếng thăm khu Infosys Technologies, một trong những viên ngọc quý của nền công nghiệp phần mềm và outsourcing của Ấn Độ. Nandan Nilekani, Tổng Giám đốc (CEO) Infosys, đang giới thiệu cho tôi phòng hội thảo trực tuyến toàn cầu của ông, với sự kiêu hãnh chỉ lên một chiếc TV có màn hình phẳng rộng cỡ bức tường, mà ông nói đó là chiếc TV lớn nhất Châu Á. Infosys, ông giải thích, có thể tiến hành những buổi họp ảo với các nhân vật chính trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của nó cho bất kỳ dự án nào, và vào bất kỳ lúc nào trên cái màn hình siêu lớn đó. Như thế trên màn hình các nhà thiết kế Mỹ có thể nói chuyện với những người viết phần mềm Ấn Độ và các nhà sản xuất Á Châu của họ cùng một lúc. Đó chính là bộ mặt của toàn cầu hoá trong thời kỳ hiện nay, Nilekani nói. Bên trên màn hình là 8 chiếc đồng hồ tóm tắt rất khéo thời gian làm việc của Infosys: 24/7/365 (24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và 365 ngày một năm). Đồng hồ được gắn nhãn Tây Hoa Kì, Đông Hoa Kì, GMT, Ấn Độ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và Australia.

“Outsourcing chỉ là một chiều của một thứ cơ bản hơn nhiều đang xảy ra trên thế giới ngày nay,” Nilekani giải thích. “Cái đã xảy ra trong những năm qua đó chính là sự đầu tư ồ ạt cho công nghệ, đặc biệt trong kỷ nguyên sôi động này, khi hàng trăm triệu dollar được đầu tư cho kết nối băng thông rộng trên toàn thế giới, cáp ngầm dưới biển, tất cả những thứ đó”. Cũng trong thời gian đó, ông nói thêm, máy tính đã trở nên rẻ hơn và có mặt khắp nơi trên thế giới, và sự bùng nổ các phần mềm e-mail, các công cụ tìm kiếm như Google và những phần mềm sở hữu riêng có thể chặt nhỏ bất cứ công việc nào và gửi một phần đến Boston, một phần đến Bangalore, một phần đến Bắc Kinh, tạo sự dễ dàng cho bất cứ ai tiến hành phát triển từ xa. Khi tất cả những thứ này đột nhiên đến cùng một lúc vào khoảng năm 2000, Nilekani nói, chúng “đã tạo ra một nền mà lao động trí tuệ, vốn trí tuệ có thể được giao từ bất cứ đâu. Những thứ này có thể được tách nhỏ, giao, phân phối, sản xuất và ráp lại cùng nhau lần nữa – và điều này đã cho cách làm việc của chúng ta một độ tự do hoàn toàn mới, đặc biệt công việc có tính chất trí tuệ. Và những gì anh đang nhìn thấy tại Bangalore ngày nay thực sự là đỉnh điểm của tất cả những điều trên kết hợp lại.”

Tại một điểm, tóm tắt các ẩn ý của tất cả điều này, Nilekani đã thốt ra một cụm từ cứ lảng vảng trong đầu tôi. Ông nói với tôi, “Tom, sân chơi đang được san phẳng”. Ý ông muốn nói là các nước như Ấn Độ bây giờ có khả năng cạnh tranh ngang nhau về lao động tri thức toàn cầu như chưa bao giờ có trước đây - và rằng tốt hơn nếu Hoa Kì sẵn sàng cho điều này. Khi tôi rời khu Infosys quay lại Bangalore tối hôm ấy và bị xe xóc suốt dọc đường ổ gà, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cụm từ đó: “Sân chơi đang được san phẳng”.

“Cái Nandan nói,” tôi nghĩ, “là sân chơi đang được san phẳng. Được san phẳng? Được san phẳng? Lạy Chúa, ông ta nói với tôi trái đất này phẳng!”

Tôi đã ở đây tại Bangalore – hơn 500 năm sau khi Columbus hướng về đường chân trời, tìm kiếm con đường ngắn hơn để tới Ấn Độ bằng những công nghệ hàng hải thô sơ của thời ông, và trở về an toàn để chứng minh dứt khoát rằng trái đất tròn – và một trong những kỹ sư tinh nhanh nhất Ấn Độ, được đào tạo tại học viện kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ và được hỗ trợ bởi những công nghệ hiện đại nhất hiện nay, đã nói với tôi rằng trái đất này phẳng, phẳng như màn hình mà trên đó ông ta có thể chủ trì cuộc họp của toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Thậm chí lí thú hơn, ông còn biểu dương sự phát triển này như một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của loài người và là một cơ hội to lớn cho Ấn Độ và thế giới – một sự thực đã làm cho thế giới của chúng ta phẳng!

Quá trình này đã xảy ra trong một thời gian dài, Toàn cầu hoá 1.0 (1492 đến 1800) đã co thế giới từ cỡ lớn về cỡ trung bình, và động lực trong thời đại đó là những quốc gia tiến hành toàn cầu hoá vì tài nguyên và sự xâm chiếm đế quốc. Toàn cầu hoá 2.0 (từ khoảng 1800 đến 2000) co thế giới từ cỡ trung bình về cỡ nhỏ, và những người dẫn đầu là các công ty tiến hành toàn cầu hoá vì thị trường và lao động. Toàn cầu hoá 3.0 (bắt đầu từ khoảng năm 2000) đang co thế giới từ cỡ nhỏ về cỡ tí hon và đồng thời san phẳng sân chơi. Và trong khi động lực trong toàn cầu hoá 1.0 là các quốc gia toàn cầu hoá, và trong toàn cầu hoá 2.0 là các công ty toàn cầu hoá, động lực trong toàn cầu hoá 3.0 – thứ khiến cho giai đoạn này có một tính cách độc nhất vô nhị - đó là những cá nhân và những nhóm nhỏ tiến hành toàn cầu hoá. Bây giờ các cá nhân phải, và có thể, đưa ra câu hỏi: tôi hợp với cạnh tranh toàn cầu và những cơ hội của thời nay ở chỗ nào, và làm sao tôi có thể, tự mình, cộng tác với những người khác trên toàn thế giới? Nhưng toàn cầu hoá 3.0 không những khác với các thời đại trước ở chỗ nó co và san phẳng thế giới ra sao và nó trao quyền cho những cá nhân như thế nào. Mà nó còn khác biệt so với toàn cầu hoá 1.0 và 2.0 ở chỗ hai giai đoạn này được tiến hành chủ yếu bởi những công ty và những quốc gia Âu Mỹ. Nhưng tiến về tương lai, điều này sẽ ngày càng ít đúng hơn. Toàn cầu hoá 3.0 không chỉ sẽ được lèo lái bởi những cá nhân mà cũng bởi các nhóm cá nhân – không Phương Tây, không da trắng - đa dạng hơn nhiều. Chúng ta sẽ thấy mọi mầu sắc của chiếc cầu vồng con người tham gia vào toàn cầu hoá 3.0.

“Ngày nay, thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi đó là sự thực rằng một đứa trẻ 14 tuổi ở Rumania hay Bangalore hay Liên Xô hay Việt Nam có tất cả thông tin, tất cả các công cụ, và tất cả những phần mềm dễ kiếm để ứng dụng tri thức bằng bất cứ cách nào chúng muốn”, Marc Andreesen, một đồng sáng lập của Netscape và người sáng tạo ra trình duyệt Internet thương mại đầu tiên, nói.“Đó chính là lý do vì sao tôi chắc chắn rằng Napster tiếp theo sẽ ra mắt từ sân trái. Khi khoa học sinh học ngày càng trở nên có tính tính toán nhiều hơn và ít về các phòng thí nghiệm ẩm ướt hơn và khi tất cả các dữ liệu về gen trở nên dễ kiếm hơn trên Internet, tại điểm nào đó bạn sẽ có thể thiết kế các vaccin trên máy tính xách tay của mình.”

Andreessen động chạm đến phần kích thích nhất của toàn cầu hoá 3.0 và sự san phẳng thế giới: sự thực rằng bây giờ chúng ta đang trong quá trình kết nối tất cả những nguồn tri thức trên thế giới lại với nhau. Chúng ta đã nếm trải một vài mặt trái của nó qua cách mà Osama bin Laden kết nối những nguồn kiến thức khủng bố lại với nhau thông qua mạng lưới Qaida của hắn, chẳng nói đến việc các hacker vị thành niên tung ra ngày càng nhiều những loại virus máy tính chết người đã và đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Nhưng mặt tốt chính là với sự kết nối tất cả những nguồn tri thức như vậy, chúng ta đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên mới khó tin nổi của sự cách tân, kỷ nguyên đó sẽ được lèo lái từ sân trái và sân phải, từ Tây và Đông và từ Bắc và Nam. Chỉ mới 30 năm trước thôi, nếu như bạn có một sự lựa chọn để được sinh ra làm một sinh viên loại B ở Boston hay là một thiên tài ở Bangalore hay Bắc Kinh, có lẽ bạn đã chọn Boston, bởi vì một thiên tài ở Bắc Kinh hay Bangalore không thể thực sự phát huy được tài năng của mình. Họ không thể plug and play [cắm và chơi] một cách toàn cầu. Không còn thế nữa. Không, khi thế giới là phẳng, và bất cứ ai với trí thông minh, tiếp cận đến Googgle và máy tính không dây rẻ tiền có thể tham gia vào cuộc tranh đua đổi mới.

Khi thế giới là phẳng, bạn có thể đổi mới mà không cần phải di cư. Điều này đang trở nên đáng quan tâm. Chúng ta sắp sửa chứng kiến sự phá huỷ đầy sáng tạo bằng các steroid.

Trái đất đã trở nên bằng phẳng thế nào, và làm sao nó lại diễn ra nhanh đến vậy?

Đó là kết quả của 10 sự kiện xảy ra cùng nhau trong các năm 1990 và đã hội tụ lại đúng vào khoảng năm 2000. Hãy để tôi điểm qua chúng một cách vắn tắt. Sự kiện đầu tiên là 9/11. Đúng như vậy - không phải 11 tháng 9 mà là ngày 9 tháng 11. Mùng 9 tháng 11 năm 1989, là ngày mà bức tường Berlin sụp đổ, đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng bởi vì nó cho phép chúng ta nghĩ đến thế giới như một không gian duy nhất. “Bức tường Berlin đã không chỉ là một biểu tượng giữ người dân ở bên trong nước Đức, mà còn là một cách ngăn cản một loại tầm nhìn toàn cầu về tương lai của chúng ta,” nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Amaryta Sen đã nói. Và bức tường sụp xuống đúng khi windows [các cửa sổ] đi lên - sự đột phá của hệ điều hành Windows 3.0 của Microsoft, đã giúp làm phẳng sân chơi thậm chí nhiều hơn bằng tạo ra một giao diện máy tính toàn cầu, được giao hàng sáu tháng sau khi bức tường sụp đổ.

Ngày mấu chốt thứ hai là 9/8. Mùng 9 tháng 8 năm 1995, đó là ngày Netscape niêm yết trên thị trường chứng khoán, sự kiện này gây ra hai thứ quan trọng. Thứ nhất, nó đã mang lại sức sống cho Internet bằng cách cung cấp cho chúng ta một trình duyệt để thể hiện những hình ảnh và dữ liệu được lưu trữ trên các Web site. Thứ hai, việc chào bán cổ phần của Netscape đã châm ngòi cho cơn sốt dot-com, cơn sốt gây ra bong bóng dot-com, bong bóng gây ra sự đầu tư quá mức ồ ạt hàng tỉ dollar vào cáp quang viễn thông. Sự đầu tư quá mức đó, bởi các công ty như Global Crossing, đã dẫn đến, dù muốn hay không muốn, sự hình thành một hệ thống cáp quang toàn cầu dưới biển và dưới đất, và điều này đến lượt nó đã đẩy các chi phí truyền dẫn âm thanh, dữ liệu và hình ảnh hầu như xuống bằng không, tình cờ một sớm một chiều khiến cho Boston, Bangalore và Bắc Kinh trở thành những láng giềng sát vách. Tóm lại, cái mà cuộc cách mạng Netscape đã làm đó là nâng khả năng kết nối giữa con người với con người lên một mức hoàn toàn mới. Đột nhiên nhiều người hơn có thể kết nối với nhiều người khác hơn từ nhiều chỗ khác nhau hơn theo nhiều cách khác nhau hơn từng có trước đây.

Không có bất cứ quốc gia nào tình cờ được lợi từ sự kiện Netscape hơn Ấn Độ. “Ấn Độ không có tài nguyên hay hạ tầng cơ sở gì” Dinakar Singh, một trong những giám đốc quỹ tự bảo hiểm [hedge-fund] được tôn trọng nhất ở phố Wall nói, và bố mẹ của ông là những người đã có bằng tiến sĩ về hoá sinh tại trường Đại học Delhi trước khi di cư sang Mỹ. “Nó đã tạo ra người dân với chất lượng và bằng số lượng. Nhưng rất nhiều trong số họ đã mục rữa như rau cỏ tại những bến cảng Ấn Độ. Chỉ có một số rất ít có thể lên tàu và thoát khỏi. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, bởi vì chúng ta đã xây dựng con tàu vượt đại dương này, được gọi là cáp quang. Trong hàng thập kỷ bạn phải rời khỏi Ấn Độ để trở thành chuyên gia. Bây giờ bạn có thể plug [cắm] vào thế giới từ Ấn Độ. Bạn không cần phải đi đến Yale và không cần phải làm việc cho Goldman Sachs.” Ấn Độ chẳng bao giờ có thể đủ khả năng chi trả cho dải băng thông để kết nối Ấn Độ có đầu óc với Mỹ có công nghệ cao, vì thế các cổ đông Mỹ chi trả cho việc đó. Vâng, đầu tư quá mức điên rồ có thể là tốt. Sự đầu tư quá mức vào đường sắt đã hoá ra là một lợi ích to lớn cho nền kinh tế Mỹ. “Nhưng sự đầu tư quá mức vào đường sắt chỉ giới hạn trong quốc gia riêng của bạn và các lợi ích cũng thế,” Singh nói. Trong trường hợp đường sắt kỹ thuật số, “những người ngoại quốc là những người được lợi.” Ấn Độ được một chuyến đi miễn phí.

Lần đầu tiên điều này trở thành sự thật đó là khi hàng nghìn kỹ sư Ấn Độ được tuyển mộ để giải quyết sự cố Y2K – năm 2000 – các lỗi máy tính ảnh hưởng đến những công ty trên khắp thế giới. ( Y2K phải là ngày quốc lễ ở Ấn Độ. Hãy gọi nó là “Indian Interdependence Day” [Ngày phụ thuộc lẫn nhau của người Ấn Độ], Michael Mandelbaum, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Johns Hopkins, nói.) Sự thực rằng việc khắc phục sự cố Y2K được outsource cho những người Ấn Độ là do hai nhân tố làm phẳng đầu tiên này làm cho có thể, cùng với nhân tố thứ ba, mà tôi gọi là “workflow”. Workflow là phép tốc ký cho tất cả các ứng dụng phần mềm, những chuẩn mực và các đường truyền dẫn điện tử, như middleware [phần mềm trung gian giúp cho sự kết nối các phần mềm khác], cái kết nối tất cả những máy tính đó với cáp quang. Nói cách khác, nếu cách mạng Netscape đã kết nối người với người như chưa từng có trước đây, thì cái mà cuộc cách mạng workflow đã làm là kết nối các ứng dụng với các ứng dụng sao cho người dân ở khắp nơi trên thế giới có thể làm việc cùng nhau trong thao tác và nhào nặn từ ngữ, dữ liệu và hình ảnh trên máy tính như chưa từng có từ trước đến nay.

Thực vậy, sự đột phá về tính kết nối người-với-người và ứng dụng-với-ứng dụng đã tạo ra, nhanh và không ồn ào, thêm sáu cái làm phẳng nữa – sáu cách mới theo đó các cá nhân và các công ty có thể cộng tác dựa vào công việc và tri thức chung. Một trong số đó là “outsourcing”. Khi các ứng dụng phần mềm của tôi có thể kết nối trơn tru với tất cả những ứng dụng của bạn, nó có nghĩa là tất cả các loại công việc – từ kế toán đến viết phần mềm – đều có thể số hoá, chia nhỏ và chuyển tới bất kỳ nơi nào trên thế giới nơi công việc đó có thể được làm tốt hơn và rẻ hơn. Cái thứ hai chính là “offshoring” [làm ở ngoài lãnh thổ]. Tôi chuyển cả nhà máy của tôi từ Canton [bang] Ohio sang Canton [Quảng Đông], Trung Quốc. Cái thứ ba là “open–sourcing” [nguồn mở]. Tôi viết một hệ thống điều hành mới, Linux, bằng việc sử dụng những kỹ sư cộng tác với nhau trực tuyến và làm việc miễn phí. Cái thứ tư là “insourcing” [thuê làm bên trong]. Tôi để cho một công ty như UPS vào công ty tôi và tiếp quản toàn bộ hoạt động tiếp vận – tất cả mọi thứ từ điền thông tin vào đơn đặt hàng trực tuyến của tôi đến phân phát hàng hoá của tôi cho đến việc sửa chữa chúng cho các khách hàng khi chúng hỏng hóc. (Mọi người vẫn chưa có khái niệm về UPS làm gì ngày nay, bạn sẽ kinh ngạc cho mà xem!) Cái thứ năm đó là “Supply-chaining” [xâu chuỗi cung]. Đây là một nét đặc biệt của Wal–Mart. Tôi tạo ra một chuỗi cung toàn cầu cho tận tới nguyên tử cuối cùng của tính hiệu quả sao cho nếu tôi bán một món ở Arkansas, thì một món khác được sản xuất ngay lập tức ở Trung Quốc. (Giả như nếu Wal-Mart là một quốc gia, thì nó sẽ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc). Dạng mới cuối cùng của sự cộng tác mà tôi gọi là “informing” [cấp tin], đó chính là Google, Yahoo và MSN Search, những công cụ tìm kiếm mà hiện nay cho phép bất kỳ ai cộng tác với, và khai thác, dữ liệu không có giới hạn tất cả do chính mình.

Như thế ba cái làm phẳng đầu tiên đã tạo nên một nền mới cho sự cộng tác, và sáu cái tiếp theo là những hình thức cộng tác mới đã làm phẳng thế giới thậm chí nhiều hơn. Cái làm phẳng thứ 10 được tôi gọi là các “steroid” và những cái này là truy cập không dây và âm thanh trên giao thức Internet (voice over Internet Protocol - VoIP). Cái các steroid làm là nạp nhanh [turbocharge] tất cả các hình thức cộng tác mới này, vì thế bây giờ bạn có thể thực hiện bất cứ hình thức nào trong số chúng, từ bất cứ đâu, với bất kỳ thiết bị nào.

Thế giới trở nên phẳng khi tất cả 10 cái làm phẳng này hội tụ nhiều hình thức cộng tác về nghiên cứu và làm việc trong thời gian thực quanh năm, mà không cần để ý đến địa lý, khoảng cách hay, trong tương lai gần, thậm chí ngôn ngữ. “Chính sự tạo ra platform này [cái nền này], với các thuộc tính độc nhất này, là sự đột phá bền vững quan trọng thật sự khiến cho cái bạn gọi là sự làm phẳng thế giới là có thể”, Craig Mundie tổng giám đốc kỹ thuật của Microsoft đã nói.

Không, chưa phải mọi người đã có thể tiếp cận đến platform này, nhưng hiện nay nó đang rộng mở cho cho nhiều người hơn ở nhiều nơi khác nhau hơn trong nhiều ngày hơn và bằng nhiều cách hơn bất kỳ hình thức nào giống như nó đã từng có trong lịch sử – cho dù đó là thế giới báo chí, với những người truy cập mạng (bloggers) đã hạ bệ Dan Rather, hay trong thế giới phần mềm, với những nhà viết mã Linux làm việc trên các diễn đàn trực tuyến miễn phí để thách thức Microsoft; hay thế giới kinh doanh, nơi những người đổi mới Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh chống lại và cộng tác với một số tập đoàn xuyên quốc Phương Tây tiên tiến nhất – các hệ thống thứ bậc đang được san phẳng và giá trị được tạo ra ngày càng ít hơn bên trong các silo theo phương thẳng đứng [các tổ chức thứ bậc dọc] và ngày càng nhiều thông qua sự cộng tác theo phương nằm ngang trong phạm vi các công ty, và giữa các công ty và giữa các cá nhân.

Có phải bạn gợi lại “cuộc cách mạng công nghệ thông tin” mà báo chí kinh doanh đã tung ra trong 20 năm qua? Thật buồn để nói cho bạn điều này, nhưng đó chỉ mới là phần mở đầu. 20 năm vừa qua mới chỉ là bận việc rèn, mài sắc và phân phối tất cả các công cụ mới để kết nối và cộng tác. Và hiện giờ cuộc cách mạng thông tin sắp bắt đầu khi tất cả những sự bổ sung lẫn nhau giữa các công cụ cộng tác đó bắt đầu hội tụ. Carly Fiorina, cựu CEO của Hewlett–Packard là một trong số những người đầu tiên gọi giây phút này bằng tên thật của nó, năm 2004 bà đã tuyên bố trong bài diễn thuyết trước công chúng của mình rằng sự bùng nổ và phá sản dot-com đã chỉ “là sự kết thúc của phần đầu”. 25 năm vừa qua trong công nghệ, Fiorina nói, mới chỉ là “hoạt động khởi động” mà thôi. Bây giờ chúng ta đang tiến vào sự kiện chính, bà nói, “và với sự kiện chính đó, tôi muốn nói đến một kỷ nguyên trong đó công nghệ thực sự biến đổi mọi khía cạnh của kinh doanh, của chính phủ, của xã hội, của cuộc sống.”

Cứ như sự san phẳng này vẫn chưa đủ, một sự hội tụ khác không kém phần quan trọng đã xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong suốt những năm 1990. Khoảng ba tỷ người bị loại khỏi trò chơi đã đi, và thường chạy trên sân chơi. Tôi đang nói đến những người sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ La Tinh và Trung Á. Hệ thống chính trị và kinh tế của những nước này tất cả đã mở cửa trong các năm 1990, do đó nhân dân của họ ngày càng tự do hơn để tham gia thị truờng tự do. Và khi nào ba tỷ người này hội tụ với sân chơi mới và với các quá trình kinh doanh mới? Ngay khi nó được san phẳng, ngay khi hàng triệu người trong số họ có thể cạnh tranh và và cộng tác với nhau một cách ngang bằng hơn, theo chiều ngang hơn và với các công cụ rẻ hơn và dễ kiếm hơn. Thực vậy, nhờ sự làm phẳng thế giới, nhiều trong số những người tham gia mới này thậm chí không phải ra khỏi nhà để tham gia. Nhờ 10 cái làm phẳng, sân chơi đã đến với họ!

Chính sự hội tụ này – của những người chơi mới, trên một sân chơi mới, phát triển các qui trình mới cho sự cộng tác theo chiều ngang – tôi tin là lực lượng quan trọng nhất định hình lại nền kinh tế và chính trị toàn cầu trong những năm đầu thế kỷ 21. Chắc chắn, không phải tất cả ba tỷ người đó có thể cộng tác và cạnh tranh. Thực ra, đối với hầu hết mọi người trái đất vẫn chưa phẳng chút nào. Nhưng thậm chí nếu chúng ta chỉ nói đến khoảng 10 phần trăm, đấy là 300 triệu người – cỡ khoảng gấp đôi lực lượng lao động Mỹ. Và hãy thận trọng: những người Ấn Độ và Trung Quốc không chạy đua với chúng ta đến đáy. Họ chạy đua với chúng ta đến tận đỉnh. Điều mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn đó là thế hệ mới của đồ lót và cánh máy bay không những chỉ được “sản xuất tại Trung Quốc” mà còn được “thiết kế tại Trung Quốc”. Và đó là nơi sự việc đang hướng tới. Và trong 30 năm chúng ta sẽ đi từ “bán tại Trung Quốc” đến “sản xuất tại Trung Quốc” tới “ thiết kế tại Trung Quốc” và cho tới “Tưởng tượng ra tại Trung Quốc” - hay từ một Trung Quốc như một người cộng tác với các nhà sản xuất toàn cầu không dựa trên cái gì cả đến một Trung Quốc như một người cộng tác có chi phí thấp, chất lượng cao, và siêu hiệu quả với các nhà sản xuất toàn cầu trên mọi lĩnh vực. Với Ấn Độ cũng như vậy. Craig Barrett, chủ tịch hội đồng quản trị Intel đã nói, “Bạn không đưa ba tỷ người vào nền kinh tế thể giới qua một đêm mà không có những hậu quả khổng lồ, đặc biệt là từ ba xã hội có những di sản giáo dục phong phú” như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nga.

Đó là vì sao không có gì đảm bảo rằng người Mỹ và Tây Âu sẽ tiếp tục dẫn đường. Những người chơi mới này đang bước lên trên sân chơi không bị vướng vào di sản, có nghĩa là rất nhiều trong số họ đã ở xa đằng sau đến mức họ có thể vượt thẳng đến những công nghệ mới mà không phải lo lắng về tất cả những chi phí lắng chìm của các hệ thống cũ. Nó có nghĩa là họ có thể tiến rất nhanh để chấp nhận những công nghệ mới, tiên tiến, đó là vì sao hiện nay điện thoại di động được dùng ở Trung Quốc đã nhiều hơn dân số Mỹ rồi.

Nếu như bạn muốn đánh giá đúng loại thách thức chúng ta đang đối mặt, hãy để tôi chia sẻ với bạn hai cuộc nói chuyện. Một cuộc với một vài nhân viên Microsoft dính líu đến việc thành lập trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu Microsoft Châu Á, khai trương năm 1998 – sau khi Microsoft gửi các nhóm đến các trường đại học Trung Quốc để thực hiện kiểm tra IQ nhằm tuyển mộ những bộ não thông minh nhất trong 1,3 tỷ người Trung Quốc. Từ 2000 sinh viên kỹ thuật và khoa học được kiểm tra, Microsoft đã thuê 20 người. Họ có tiếng nói ở Microsoft về trung tâm Châu Á của họ, điều đó lột tả được cường độ cạnh tranh để có được một việc làm ở đó và giải thích vì sao nó đã là một nhóm nghiên cứu có năng suất nhất ở Microsoft: “Hãy nhớ rằng, ở Trung Quốc, nếu bạn là một trong một triệu người, thì vẫn có 1.300 người khác đúng như bạn.”

Cuộc khác là cuộc nói chuyện của tôi với Rajesh Rao, một nhà doanh nghiệp trẻ Ấn Độ người thành lập một công ty trò chơi điện tử ở Bangalore, người hiện nay đang giữ bản quyền sử dụng hình ảnh của Charlie Chaplin trong các trò chơi máy tính di động. “Chúng tôi không thể nghỉ ngơi”, Rao nói, “Tôi nghĩ trong trường hợp nước Mỹ đó là cái xảy ra một chút. Hãy nhìn tôi đây: tôi là người Ấn Độ. Trước đây chúng tôi đã ở một trình độ rất khác về mặt công nghệ và kinh doanh. Nhưng một khi chúng tôi thấy mình đã có hạ tầng cơ sở biến thế giới thành một chỗ nhỏ, chúng tôi ngay lập tức cố gắng sử dụng nó một cách tốt nhất. Chúng tôi đã thấy ở đó rất nhiều việc mình có thể làm. Chúng tôi tiến lên phía trước, và hiện nay những gì chúng ta chứng kiến là kết quả của điều đó. Không có thời gian cho nghỉ ngơi. Điều đó đã qua rồi. Có hàng tá người đang làm cùng một công việc mà bạn đang làm, và họ đang cố gắng làm tốt hơn. Nó giống như nước trong một cái khay: bạn lắc nó, và nó sẽ tìm được đường ít cản trở nhất. Đó là cái sẽ xảy ra với rất nhiều việc làm – chúng sẽ đi đến xó xỉnh đó của thế giới nơi có ít cản trở nhất và nhiều cơ hội nhất. Nếu có một người có kĩ năng ở Timbuktu, anh ta sẽ có việc làm nếu anh ta biết làm thế nào để tiếp cận đến phần còn lại của thế giới, một việc khá dễ hiện nay. Bạn có thể dựng một Web site và có một địa chỉ e-mail và bạn đã chuẩn bị xong và bắt đầu hoạt động. Và nếu bạn có khả năng chứng tỏ công việc của mình, dùng cùng hạ tầng cơ sở đó, và nếu người ta yên tâm cho bạn công việc và nếu bạn chăm chỉ và trong sạch trong các giao dịch của mình, thì bạn đang kinh doanh”.

Thay cho than phiền về outsourcing, Rao nói, Người Mỹ và Tây Âu “tốt hơn hết nên nghĩ làm thế nào để nâng xà của mình lên và nâng bản thân mình lên để làm việc gì đó tốt hơn. Người Mỹ đã kiên định dẫn đầu về đổi mới trong cả thế kỷ trước. Người Mỹ rên rỉ than vãn - chúng ta chưa từng thấy bao giờ.”

Rao nói đúng. Và đây là thời điểm chúng ta phải tập trung. Với tư cách là một người trưởng thành trong thời chiến tranh lạnh, tôi luôn nhớ lái xe trên đường cao tốc và nghe radio, khi tiếng nhạc vụt tắt và một giọng nói nghiêm khắc nói trực tiếp trong radio: “Đây là một cuộc thử nghiệm. Đài phát thanh đang tiến hành một cuộc thử nghiệm Hệ thống Cảnh báo trên sóng truyền thanh”. Và tiếp theo sau đó là 20 giây còi báo động chói tai. Thật may, chúng ta đã không bao giờ phải trải qua dù một giây trong chiến tranh lạnh khi phát thanh viên thông báo, “Đây không phải là một cuộc thử nghiệm”.

Đó, tuy vậy, chính xác là cái tôi muốn nói ở đây: “Đây không phải là một cuộc thử nghiệm”

Những cơ hội và thách thức dài hạn mà sự san phẳng trái đất đặt ra trước nước Mỹ là rất sâu rộng. Do vậy, khả năng của chúng ta để vượt qua bằng làm việc theo cách chúng ta đã làm - tức là không luôn luôn làm giàu thêm cái món nước xốt bí mật của chúng ta - sẽ không còn đủ nữa. “Đối với một quốc gia giàu có như chúng ta, thật đáng kinh ngạc khi chúng ta hành động ít đến thế nào để tăng cường khả năng cạnh tranh vốn có của mình,” Dinakar Singh, vị giám đốc hedge-fund người Mỹ gốc Ấn, nói. “Chúng ta đang sống trong một thế giới có một hệ thống hiện nay cho phép sự hội tụ giữa nhiều tỷ người, và tốt hơn hết chúng ta nên lùi lại để tìm hiểu xem nó có nghĩa là gì. Sẽ là một sự trùng hợp thú vị nếu như tất cả mọi thứ đã từng đúng trước đây hiện nay vẫn còn đúng, nhưng có hơi nhiều thứ bạn thực sự phải làm khác đi. Cần phải có một cuộc thảo luận quốc gia sâu sắc hơn rất nhiều”.

Nếu thời điểm này có bất cứ sự tương tự nào trong lịch sử Mỹ mới đây, đó chính là đỉnh điểm của chiến tranh lạnh, khoảng 1957, khi Liên Xô vượt qua Mỹ trong cuộc đua không gian bằng việc phóng thành công vệ tinh Spunik. Và thách thức thực sự khi đó đến từ những nước muốn xây các bức tường ngăn; thách thức chính của người Mỹ ngày nay đến từ sự thực là các bức tường đó đã bị sụp đổ và hiện nay có nhiều người khác nữa có thể cạnh tranh và cộng tác với chúng ta một cách trực tiếp hơn nhiều. Thách thức chính trong thế giới đó đã là từ các nước thực hành chủ nghĩa cộng sản cực đoan, cụ thể là Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Thách thức chính đối với người Mỹ ngày nay là từ các nước thực hành chủ nghĩa Tư bản cực đoan, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Triều Tiên. Mục tiêu chính trong thời kỳ trước là xây dựng một quốc gia hùng mạnh, mục tiêu chính trong thời kỳ này là xây dựng những cá nhân hùng mạnh. Đương đầu với những thách thức của chủ nghĩa san phẳng đòi hỏi một đáp ứng toàn diện, mạnh mẽ và tập trung như đáp ứng đã đương đầu với chủ nghĩa cộng sản. Nó đòi hỏi một vị tổng thống có thể tập hợp quốc gia để chịu khó làm việc hơn, trở nên thông minh hơn, thu hút nhiều thanh niên hơn đến với khoa học và kỹ thuật và xây dựng một hạ tầng cơ sở băng thông rộng, một hệ thống trợ cấp hưu trí và chăm sóc sức khoẻ linh động có thể giúp mọi công dân Mỹ trở nên có thể dùng được hơn ở một thời đại trong đó không ai có thể đảm bảo cho bạn công ăn việc làm suốt đời.

Chúng ta đã chậm trễ để đối phó với các thách thức của chủ nghĩa san phẳng mới, ngược lại đối với chủ nghĩa cộng sản, có lẽ bởi vì chủ nghĩa san phẳng không dính đến các tên lửa xuyên lục địa nhắm vào các thành phố của chúng ta. Quả thực, đường dây nóng, được dùng để kết nối điện Kremlin với Nhà Trắng, đã được thay thế bằng đường dây trợ giúp, để nối mọi người ở Mỹ với các trung tâm trợ giúp ở Bangalore. Trong khi đầu bên kia của đường dây nóng đã có thể là Leonid Breznhev với những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân, thì ở đầu bên kia của đường dây trợ giúp chỉ là một giọng nói nhẹ nhàng và sẵn lòng giúp đỡ để sắp xếp hoá đơn thanh toán AOL của bạn hay hợp tác với bạn về một mẩu phần mềm mới. Không, giọng nói đó không hề có chút nào sự đe doạ của Nikita Khrushchev đập giày lên bàn tại Liên Hợp Quốc, và nó không hề có chút nào tiếng hằm hè đầy sát khí của những tên bất lương trong băng “From Russia with love” (Từ nước Nga với tình yêu). Không, giọng nói trên đường dây trợ giúp đó chỉ là lời nhẹ nhàng du dương và thân thiện của người Ấn Độ đã che lấp bất cứ cảm giác nào về đe doạ và thách thức. Nó đơn giản nói: “Xin chào, tôi là Rajiv. Tôi có thể giúp bạn?”

Không, Rajiv, thực sự bạn không thể. Khi đến phản ứng với những thách thức của thế giới phẳng, thì không có đường dây trợ giúp nào chúng ta có thể gọi. Chúng ta phải đào sâu vào chính mình. Chúng ta ở nước Mỹ có đủ tất cả những công cụ kinh tế và giáo dục cơ bản để làm việc đó. Nhưng chúng ta đã không cải thiện các công cụ đó ở mức độ chúng ta phải làm. Đó là lý do tại sao chúng ta ở trong cái mà Shirley Ann Jackson, chủ tịch năm 2004 của Hội vì sự Tiến bộ khoa học Mỹ và hiệu trưởng của Học viện Bách khoa Rensslaer, gọi là một “cuộc khủng hoảng thầm lặng” – một cuộc khủng hoảng ăn mòn một cách chậm rãi nền tảng khoa học và kỹ thuật của Mỹ.

“Nếu không được kiềm chế”, Jackson, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng tiến sĩ về vật lý từ M.I.T. nói, “điều này sẽ thách thức tính ưu việt và khả năng đổi mới của chúng ta”. Và đó chính là khả năng của chúng ta để liên tục đổi mới các sản phẩm mới, các dịch vụ và những công ty mà đã là nguồn của sự sung túc và của một tầng lớp trung lưu không ngừng mở rộng của Mỹ trong hai thế kỷ qua. Cuộc khủng hoảng thầm lặng này là sản phẩm của ba lỗ hổng đang gây bệnh dịch cho xã hội Mỹ hiện nay. Thứ nhất là một “lỗ hổng tham vọng.” So với thanh niên Ấn Độ và Trung Quốc đầy nghị lực, quá nhiều bạn trẻ Mỹ đã trở nên quá lười biếng. Như David Rothkopf, cựu viên chức Bộ Thương mại thời Clinton, diễn đạt, “Cái quyền thực sự mà chúng ta cần phải thoát khỏi chính là cảm giác của chúng ta về quyền được”. Thứ hai, chúng ta có rất nhiều lỗ hổng hình thành. Chúng ta không đào tạo đủ kỹ sư và nhà khoa học. Chúng ta đã từng trám những lỗ hổng này lại bằng cách nhập khẩu họ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng trong một thế giới phẳng, mọi người có thể ở nhà và cạnh tranh với chúng ta, và trong thế giới hậu 11 tháng 9 này, nơi mà chúng ta đang điên cuồng không cho nhiều trong số các trí thức được chọn lọc hiệp đầu trên thế giới vào Mỹ vì những lý do an ninh bị cường điệu hoá, chúng ta không còn có thể lấp được lỗ hổng đó. Đó là lý do chủ yếu vì sao các công ty ngó ra nước ngoài. Số lượng không có ở đây. Và cuối cùng chúng ta đang mở rộng một lỗ hổng giáo dục. Có một chút bí mật bẩn thỉu mà không Tổng giám đốc nào muốn nói cho bạn biết: họ không chỉ outsourcing để tiết kiệm về tiền lương. Họ làm điều đó bởi vì họ thường có được những người có kĩ năng tốt hơn và có năng suất hơn các công nhân Mỹ của họ.

Đấy là một số lý do mà Bill Gates, chủ tịch của Microsoft, đã cảnh báo tại hội nghị các uỷ viên hội đồng quản trị [trường đại học] trong diễn văn ngày 26 tháng 2 rằng hệ thống giáo dục trung học của Mỹ đã “lỗi thời”. Như Gates diễn đạt: “Khi tôi so sánh các trường trung học của chúng ta với những gì tôi đã thấy khi tôi ra nước ngoài, tôi cảm thấy lo sợ cho lực lượng lao động tương lai của chúng ta. Về toán học và khoa học, học sinh lớp bốn của chúng ta thuộc trong số những học sinh hàng đầu trên thế giới. Khi lên đến lớp tám, chúng thuộc hạng trung bình. Và khi lên đến lớp 12, những học sinh Mỹ đứng gần cuối trong tất cả những nước công nghiệp…. Phần trăm dân số có bằng cao đẳng là quan trọng, nhưng con số tuyệt đối cũng quan trọng không kém. Vào năm 2001, tại Ấn Độ số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nhiều hơn Mỹ khoảng một triệu người. Số sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp với bằng cử nhân gấp đôi ở Mỹ, và gấp sáu lần về số sinh viên tốt nghiệp chuyên nghành kỹ thuật. Trong cuộc cạnh tranh quốc tế để có cung lớn nhất và tốt nhất về lao động trí óc, nước Mỹ đang tụt lại đằng sau.”

Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức. Phải mất khoảng 15 năm để đào tạo được một kỹ sư giỏi, bởi vì, thưa quí ông quí bà, đấy thực sự là khoa học tên lửa. Vì vậy hỡi các ông bố bà mẹ, hãy vứt Game Boy đi, tắt TV và bắt con cái làm việc. Đấy chẳng phải là những lời đường mật, trong một thế giới phẳng, mọi cá nhân sẽ phải chạy nhanh hơn một chút nếu anh ta (hay cô ta) muốn tăng mức sống của mình lên. Khi tôi còn đang lớn, bố mẹ thường nói với tôi: “Tom, ăn hết phần cơm tối của con đi, người ta đang chết đói ở Trung Quốc đấy”. Nhưng sau khi du hành tới tận bên rìa của thế giới phẳng này trong một năm, bây giờ tôi bảo với con gái tôi rằng, “Con gái, làm xong bài tập của con đi, những người ở Trung Quốc và Ấn Độ đang thèm khát công việc của con đó.”

Tôi xin lặp lại, đây không phải là một cuộc thử nghiệm. Đây là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng mà nó sẽ không còn thầm lặng lâu nữa đâu. Và như nhà kinh tế học Paul Romer ở Stanford đã nói một cách rất đúng, “Bỏ phí một khủng hoảng là điều thật kinh khủng.”

3D show: Diesel 'Liquid Space' Holographic Fashion Show

What is beautiful and creative 3D show!
It is slow but you can let it run at first times. Then, replay it and
see the people behind the curves, the actors/actresses were moving inside 3D show.

Full (~17m):



Only Part 2 (~9m):

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2007

Tính vị tha

- Khi Lauren (người mà càng lớn tuổi càng lý tưởng hóa cuộc sống) nói về chuyện người yêu cũ cắt đứt quan hệ với mình:

"Em đã hiểu rằng một trong những phẩm chất cơ bản để hai người sống chung là tính vị tha.... Hai người muốn chia sẻ một phần cuộc đời thì hãy đừng tin và đừng làm cho đối tượng tin rằng họ đang bước vào một mối quan hệ nghiêm túc nữa nếu họ chưa thực sự sẵn sàng trao gửi tình cảm. Nếu ai cũng nghĩ đến mình thì làm sao tìm được hạnh phúc. Hoặc là mình phải cho, hoặc là mình được nhận, chỉ có thế thôi..."

-- MARC LEVY