Đã có hẳn một cuốn sách về “Những người làm thuê số 1 Việt Nam”, đã có những người làm thuê được mệnh danh “cô gái triệu đô” hay “chàng trai bạc tỉ”. Đó là những con số gắn với thu nhập, tài sản hay số tiền mà họ mang về cho những nơi họ gắn bó, làm việc. Họ là mục tiêu của những công ty “săn đầu người”, sự chuyển dịch của họ từ nơi này sang nơi khác luôn gây xôn xao và gắn với nhiều thăng trầm trong thương trường của các công ty, các tập đoàn kinh doanh. Thế nên làm thuê mà giàu...
Tôi có một anh bạn từng hai lần làm thuê cho một tập đoàn truyền thông lớn ở VN, hai lần vào hai lần ra vì không chịu được những áp lực khác nhau của những người làm chung với mình dù lần nào anh cũng làm việc ở vị trí top persons (những người đứng đầu) trong tập đoàn đó. Chỉ khác ở chỗ lần thứ hai ra đi anh ôm theo cả đống cổ phiếu luôn thuộc dạng “blue-chip” để rồi khi cơn sốt chứng khoán tại VN đang hot nhất, hằng ngày anh chỉ ngồi nhà lên mạng theo dõi giá sau đó bán ra mua vào chỉ bằng những cú điện thoại. Và lần nào gặp cũng thấy anh luôn miệng than phiền vì sự buồn bã nhàm chán của cuộc sống khi không đi làm, than vãn vì ở nhà mà thấy chán vợ và vợ cũng chán mình, tiền nhiều mà chợt hiểu tiền không mua được niềm vui hay hạnh phúc.
Anh bạn tôi làm những bản CV hoành tráng, mô tả công việc trước đây của mình để gửi cho các công ty chuyên “săn đầu người” nhưng không may là cho đến giờ anh vẫn chưa được nhận vào bất cứ vị trí nào của bất cứ công ty nào. Lý do thì tôi chịu, nhưng nhiều người bạn mời anh hợp tác với hình thức góp vốn rồi làm chủ, anh cũng từ chối với nhiều lý lẽ như họ không hợp mình hoặc đơn giản là vợ của anh bạn nọ đang can thiệp quá nhiều vào công việc chung giữa mọi người. Mở công ty riêng thì anh bạn tôi lại ngại, vì anh muốn phải chắc thắng, phải chắc chắn có thị trường, phải chắc chắn có lãi và quan trọng là không đổ nhiều tiền vào đó. Nên bây giờ anh vẫn ngồi chơi đùa với số cổ phiếu để biết mình là người giàu và đang có “nỗi buồn sang trọng” vì thấy cuộc sống vô vị quá khi không có một công việc để hằng ngày lái xe đến công sở, ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc và “làm thuê”.
Đó là những người có một tâm thế “làm thuê” thay vì mang trong mình tâm thế “làm chủ”. Họ luôn cần biết trên đầu có một mái nhà che mưa nắng đã được làm sẵn thay vì tự tay làm cho mình, làm theo ý mình. Họ không dám phiêu lưu, thường lựa chọn sự an toàn thay vì chấp nhận thử thách. Rất dễ nhận ra những người như vậy xung quanh chúng ta bởi tập hợp của họ luôn biến thành một cộng đồng mang tính nhân công hơn là sáng tạo. Họ có thể rất giỏi khi ngồi ngay cả ở vị trí cao nhất của một tập đoàn kinh tế, có những quyết sách chính xác đem lợi nhuận về cho công ty ở mức cao nhất, nhận những mức thưởng “không tưởng” là % của số lãi ròng họ làm ra. Nhưng họ vẫn không phải là những người làm chủ. Họ là những người làm thuê số 1- là đích ngắm của các công ty “săn đầu người” và nhiều người trong số họ hài lòng với tâm thế làm thuê ấy của mình đến hết đời.
Có nhiều người nghĩ khác. Câu slogan của hãng máy tính Apple một thời là “think different” cũng chính là sự khẳng định chiến lược của hãng này trong việc kinh doanh các sản phẩm trên một chiếc bánh thị trường mà các phần đều đang rất giống nhau. Đến tận hôm nay, máy tính Apple vẫn rất khác với các dòng máy tính thông dụng trên thế giới, nó rất khó bị nhiễm virus, không phổ cập để sử dụng nhưng tạo đẳng cấp cho người sở hữu. Nghĩ khác trong công việc là những bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ham muốn được làm chủ. Họ đã âm thầm xây dựng kế hoạch kinh doanh, đi lên từ những số vốn nhỏ thậm chí gom góp từ học bổng hay chấp nhận đi làm thuê để có đủ vốn là bung ra làm chủ.
Tâm thế làm chủ ngay từ khi bước những bước đầu tiên để trưởng thành ấy là nền tảng cho cả một cuộc sống cá nhân sau này. Ngạn ngữ phương Tây có câu “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Những người trẻ hôm nay đã biết cách gieo những mầm đầu tiên của ý thức tự chủ, tự cường. Chọn con đường khó đi để mà đi là cách mà người trẻ khẳng định mình dù vẫn biết cày trên mảnh đất cũ không phải là xấu - vấn đề là biết cày vỡ những gì người khác chưa cày. Nhưng còn gì thú vị hơn những khám phá bắt nguồn từ một thái độ “dám sống”? Đặt những viên gạch hoạch định một tương lai cho chính cuộc đời mình bằng một tâm thế của người làm chủ, hôm nay làm chủ tương lai, ngày mai làm chủ cuộc đời của chính mình là một thái độ sống đáng khâm phục.
Thế nên trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi chợt thấy bạn bè mình dù rất thành đạt với những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau vẫn nung nấu một khao khát, bao giờ được làm những cái của mình, cho riêng mình vì sự đam mê và những thử thách chưa biết trước. Họ đang “làm thuê” để chuẩn bị cho tâm thế làm chủ ngày mai, và mỗi người có một lựa chọn khác nhau cho sự khởi đầu của mình, người sớm, người muộn, người thành công và kẻ phải trả giá. Nhưng biết ước mơ và khao khát khẳng định bản lĩnh sống của mình để chọn điểm rơi chính xác. Điều đó không bao giờ là quá muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét