Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2007

3O: Obsession - Optimism - Obligation

Ba chữ O dẫn đến thành công


Obsession (Ám ảnh): Hãy suy nghĩ kỹ chữ O đầu tiên này. Thử hỏi chính bản thân bạn xem, nếu bạn luôn ám ảnh, luôn băn khoăn, tiềm thức của bạn luôn hướng về sự thành công, khi đó bạn có chịu ngồi yên một chỗ không? Chắc chắn bạn sẽ xoay xở, phấn đấu, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu mong muốn

Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không “dung thứ” cho bất cứ sự lười biếng hay buông xuôi nào. Bạn sẽ luôn tự nhủ: “Tôi sẽ thành công”.

Optimism (Lạc quan): Người lạc quan là người luôn suy nghĩ tích cực, luôn phấn khích, nhiệt huyết với cuộc sống, luôn biết ơn và không hay phàn nàn, than vãn. Lạc quan để đam mê và phấn đấu trong công việc, lạc quan để vượt qua những áp lực, lạc quan để đứng dậy sau thất bại, lạc quan để sáng tạo và mạnh dạn hơn trong công việc.

Obligation (Nghĩa vụ): Người chiến thắng là người luôn xác định nghĩa vụ của bản thân. Nếu bạn chỉ chăm chăm nghĩ xem mình sẽ được lợi gì trong công việc này, bạn không thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Ngược lại, khi đã xác định: Mình có nghĩa vụ phải hoàn thành công việc này, bạn sẽ làm việc có trách nhiệm và nguyên tắc hơn.

--ST NLD.COM.VN

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2007

Khi trước mặt là núi...




Sẽ phải làm gì khi con đường trước mặt là một quả núi? Tìm một con đường khác bằng phẳng hơn để đi hay chấp nhận thử thách leo núi.

Nếu tự cho mình là dũng cảm để leo núi thì sẽ có 2 kết cục: hoặc là thành công đứng trên đỉnh núi hoặc là thất bại,quay trở lại hay rơi xuống vực. Đã chấp nhận leo núi thì không có cái kết quả gọi là nửa vời, ở giữa lưng chừng núi.

Mà trong cuộc leo núi này, khả năng thành công là bao nhiêu? Không đủ sức. Không đủ tự tin ở bản thân. Hay là chưa quyết tâm?

Dù cho khả năng thất bại rất lớn, cũng phải tập leo núi thôi. Phải leo thì mới biết khả năng mình đến đâu. Phải leo mới biết mình sẽ thành công hay thất bại.

Nếu rơi xuống vực, sẽ vẫn còn thời gian để tìm con đường khác. Và phải tự an ủi mình bằng câu: thất bại là mẹ thành công. Nhớ ngày còn bé, trong một lần đi bơi ở hồ, không biết bơi, nhưng gan lỳ vùng vẫy ra xa, không thể bơi trở lại, sắp chìm, bố thì ở rất xa, may có người nhìn thấy nhảy xuống cứu. Đã có một thời gian rất sợ xuống nước, nhưng kết cục là bây giờ biết bơi.

Còn có những câu chuyện này nữa:

- Walt Disney từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.

- Lev Tolstoy, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình, từng bị đình chỉ học đại học vì "vừa không có khả năng, vừa thiếu ý chí học tập".

- Henry Ford thất bại và cháy túi tới 5 lần trước khi thành công.

-- ST from Litte'blog

Make your own Aquarium Computer with pure oil

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2007

5 tính cách không nên “nuôi dưỡng” ở chỗ làm

5 tính cách không nên “nuôi dưỡng” ở chỗ làm

Giận dữ là cách nhanh nhất để phá huỷ sự nghiệp của bạn.

Có những tính cách, dù là “cha sinh mẹ đẻ”, bạn không nên giữ; nếu không bỏ được cũng nên học cách hạn chế tối đa thể hiện ở công sở.

Kiêu ngạo

Bạn luôn nhận hết công lao về mình, không chia sẻ thành tích với bất cứ ai. Bạn tỏ ra là người giỏi nhất cơ quan, việc gì cũng làm được nhưng chưa bao giờ bạn có ý định giúp đỡ “con nhóc” mới vào cơ quan làm việc. Bạn vênh váo và tự đắc khi anh chàng đồng nghiệp làm hỏng việc và thản nhiên khoe rằng nếu sếp để bạn làm việc đó thì đâu đến nỗi.

Trên đây chỉ là một trong những màn kiêu ngạo mà bạn dựng lên, nhằm phá huỷ chiếc cầu nối bạn với những người xung quanh.

Đố kỵ

Bạn ít khi thừa nhận thành tích và năng lực của đồng nghiệp, bạn dèm pha rằng cậu ta đã “chạy” chiếc bằng đại học,... Cư xử như vậy sẽ tác động tiêu cực tới chính khả năng tập trung vào công việc của bạn.

Quá ghen tỵ với đồng nghiệp có thể làm tổn hại tới lòng tự trọng của bạn, một tính cách thiết yếu của bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào.

Thay vì tỏ ra đố kỵ, hãy để những thành tích của người khác trở thành động lực, là nhiên liệu tiếp “lửa” cho bạn trong quá trình làm việc để hướng tới thành công của cá nhân bạn.

Tức giận

Tức giận là cách để phá huỷ mọi thứ nhanh nhất. Những người có tính tình nóng nảy hiếm khi được thăng tiến vì tức giận không bao giờ đi kèm với khôn ngoan.

Không ai phản đối bạn thể hiện cảm xúc nhưng bạn phải làm chủ được những cảm xúc ấy để biến nó thành hành động có lợi cho bạn.

Lười biếng

“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Tính cách này khiến bạn trì trệ, đầu óc ì ạch, ít vận động dẫn tới thiếu nhạy bén. Mới đầu thì không sao, nhưng dần dần, nó sẽ ăn sâu vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn. Đến lúc đó bạn chỉ biết ngồi và ngắm nhìn người khác vượt qua bạn và đạt được thành công.

Đừng hy vọng rằng những thành tích và thành công trong quá khứ sẽ giúp bạn luôn băng băng tiến bước trong sự nghiệp lâu dài của mình.

“Đứng núi này trông núi nọ”

“Cỏ luôn luôn xanh bên nhà hàng xóm”. Câu ngạn ngữ này cũng có thể áp dụng với môi trường công sở. Chỉ biết tập trung thời gian vào những thành tích làm việc của đồng nghiệp mà quên không hoàn thành nhiệm vụ của mình; lúc nào cũng cho rằng đồng nghiệp đang ngồi ở vị trí “béo bở” hơn; nghĩ rằng đáng ra mình nên ngồi ở Công ty A thì có phải mình đã lên chức trưởng phòng rồi không. Thay vì ngồi suy nghĩ vẩn vơ như thế, bạn hãy bắt tay vào làm đi.

Phước Đại

Theo CareerBuilder

Email chuyên nghiệp

Email chuyên nghiệp


Đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ các nhân viên ngày nay không chú trọng đến hình thức, nội dung các email mà họ gửi đi hàng ngày; bên cạnh đó họ chưa khai thác hết tính năng của các chương trình kiểm tra email nhằm phục vụ cho công việc của mình. Những email xấu về hình thức (viết sai chính tả, font chữ rườm rà), nội dung không đi thẳng vấn đề… có thể khiến đối tác, khách hàng đánh giá thấp tác phong làm việc của họ.

Bởi vậy bạn cần chú ‎ một số nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng thư điện tử trong công việc hàng ngày.

1. Việc sử dụng email trong công việc hàng ngày cần tuân thủ Pháp luật và các nguyên tắc của mỗi công ty đề ra. Phát tán tài liệu khiêu dâm; khủng bố, tấn công người khác qua email; chống phá chính quyền; tiết lộ bí mật công ty… là những lỗi “chết người” trong việc sử dụng email.

2. Soạn thảo email công việc càng ngắn càng tốt, tập trung vào những vấn đề mấu chốt. Hãy bám theo tiêu đề các công việc bạn cần giải quyết trong email, tránh “lái” sang các vấn đề khác, ngoại trừ việc giải thích, nêu lí do sự việc. Đó chính là điểm khác nhau giữa email công việc và email cá nhân.

3. Tiêu đề email phải bao quát được nội dung bạn cần giải quyết. Với những người cần giải quyết một khối lượng lớn công việc qua email, thì tiêu đề giúp họ dễ dàng nhận biết, quản lí thư điện tử. Bạn cần tránh việc gửi email mà không đặt tiêu đề. Bên cạnh đó, hạn chế việc lạm dụng sử dụng các từ QUAN TRỌNG hoặc KHẨN CẤP trong tiêu đề email; hãy để dành những từ đó cho những dịp xứng đáng hơn.

4. Cần chú trọng lỗi chính tả và hình thức email, nó thể hiện sự chuyên nghiệp và khoa học của nhân viên. Cách tốt nhất để kiểm tra lỗi chính tả là bạn bật chế độ tự động kiểm tra của máy tính, hoặc tự kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi thư. Một bức email nhiều lỗi chính tả thể hiện sự thiếu tôn trọng đối tác và khách hàng. Email nên sử dụng câu ngắn, giữa các đoạn cần cách dòng để bức thư được rõ ràng đối với người đọc.

5. Sử dụng file đính kèm đã được ghi chú một cách khoa học. Tên file đính kèm phải rõ ràng, đặt theo trình tự thời gian hoặc nội dung công việc. Ngoài ra bạn cần kiểm tra kẻo gửi nhầm file chưa hoàn thiện cho đối tác và khách hàng, điều này cho thấy bạn làm việc không cẩn thận chút nào! Với các file được đặt tên tiếng Việt, bạn nên sử dụng chữ Việt không có dấu để tránh trục trặc khi người nhận mở file.

6. Có ba thói quen khiến người nhận email rất bực mình, đó là viết hoa toàn bộ nội dung, font chữ to nhỏ không đều, chữ in đậm, in nghiêng và màu sắc được sử dụng bừa bãi. Việc viết hoa chỉ nên áp dụng đúng nguyên tắc của nó, nếu bạn viết hoa toàn câu thì một số đối tác nước ngoài sẽ hiểu rằng bạn đang la hét họ. Tương tự, màu sắc, kiểu chữ nghiêng hay đậm cần thống nhất, giữ cho hình thức bức thư lịch sư, thanh nhã.

7. Bạn nghĩ sao về việc viết tắt? Hãy xem email công việc như một… bài luận vậy. Mỗi lỗi viết tắt, bạn đã bị khách hàng và đối tác trừ 0.5 điểm trong tác phong và thái độ làm việc rồi đấy. Bởi vậy, những từ thông dụng như “ASAP” (càng sớm càng tốt), BTW (nhân tiện),… chỉ nên sử dụng trong email cá nhân.

8. Trong các email giao dịch cần sử dụng chữ ký cá nhân mình bao gồm tên, chức danh, địa chỉ và phone. Người nhận sẽ biết rõ bạn là ai, ở đâu, chịu trách nhiệm cho công việc nào. Đặc biệt là với những khách hàng lần đầu làm việc với công ty bạn.

9. Hãy trả lời email càng sớm càng tốt. Tại các công ty lớn, vị CEO cao nhất cũng phải giữ cho mình thói quen trả lời email sớm bởi nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và làm việc khoa học, tránh dồn công việc ứ đọng. Và cũng cần nhớ, nên đọc kỹ email trả lời ít nhất một lần trước khi click “Gửi đi”.

10. Với đối tượng “thư rác”, cách tốt nhất là bạn hãy tống nó vào ngăn rác, hoặc sử dụng phần mềm các bức thư không mời mà đến này. Việc bạn “thử” click vào thư rác sẽ giúp người gửi xác nhận địa chỉ email của bạn là thực, từ đó, bạn sẽ liên tục bị tấn công.

11. Hãy copy, forward (gửi chuyển tiếp) thư của bạn cho những người có liên quan, từ sếp đến đồng nghiệp. Việc bạn c/c email sẽ giúp những người có liên quan theo dõi công việc chung, kiểm tra lẫn nhau một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sếp cũng có thể dõi theo tiến độ công việc của cả hệ thống.

12. Bên cạnh tính năng soạn, gửi thư, email ngày nay còn được sử dụng để quản lý‎ tài liệu, thời gian biểu… Phần mềm Microsoft Outlook vẫn được ưa chuộng nhất trong các công ty, bởi nó cho phép người sử dụng kiểm tra hòm thư điện tử tại máy tính cá nhân của mình. Bên cạnh đó, tính năng lịch công tác của phần mềm này cũng cho phép người sử dụng quản lí‎ chặt chẽ công việc, sắp đặt lịch và thông báo cho người khác được biết.

Hãy tạo thói quen sử dụng email theo những nguyên tắc đơn giản trên, bạn sẽ chứng tỏ và duy trì tác phong chuyên nghiệp của mình trong môi trường kinh doanh năng động, không những thế còn tăng hiệu suất công việc.

Theo Hòa Khánh

Bwportal/Business Knowledge Source