Toàn cầu hoá: Cuối cùng đó là một trái đất phẳng
Thomas L. Friedman, “It’s a Flat World, After All”, The New York Times
Năm 1492 Christopher Columbus vượt biển tới Ấn Độ, đi về hướng Tây. Ông có trong tay tàu Nina, Pinta và
Và nằm ở đó là câu chuyện về công nghệ và kinh tế học địa lý làm thay đổi cơ bản cuộc sống của chúng ta – nhanh chóng hơn rất rất nhiều so với nhận thức của nhiều người. Tất cả điều đó xảy ra khi chúng ta đang ngủ, hay đúng hơn trong khi chúng ta đang bị cuốn hút vào sự kiện 11 tháng 9, sự phá sản của những công ty dot-com và Eron – điều đã khiến một số người tự hỏi phải chăng toàn cầu hoá đã chấm dứt? Thực sự, chính điều ngược lại mới đúng, đó là vì sao đã đến lúc phải thức tỉnh và tự chuẩn bị cho thế giới phẳng này, bởi vì những người khác đã sẵn sàng, và không còn thời gian để lãng phí nữa.
Tôi ước tôi có thể nói mình đã nhìn thấy tất cả những điều đó đang đến. Lạy thánh Alas, tôi đã chạm trán với việc trái đất trở nên phẳng một cách tình cờ. Đó là vào cuối tháng Hai năm ngoái, khi tôi đến thăm thủ đô công nghệ cao của Ấn Độ, Bangalore, để làm một bộ phim tài liệu về outsourcing [thuê làm bên ngoài] cho kênh truyền hình Discovery Times. Nhanh và không ồn ào, tôi đã phỏng vấn một nhà khởi nghiệp Ấn Độ, người muốn chuẩn bị các hồ sơ thuế của tôi từ Bangalore, đọc phim X quang của tôi từ Bangalore, truy tìm hành lý bị thất lạc của tôi từ Bangalore và viết phần mềm mới cho tôi từ Bangalore. Càng ở lại Bangalore, tôi càng thấy khó chịu, sự khó chịu khi nhận ra trong khi tôi đi đưa tin về các cuộc chiến 11 tháng 9, toàn cầu hoá đã bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, và tôi đã không thấy nó. Tôi nghĩ thời điểm bừng tỉnh đã đến trong một cuộc viếng thăm khu Infosys Technologies, một trong những viên ngọc quý của nền công nghiệp phần mềm và outsourcing của Ấn Độ. Nandan Nilekani, Tổng Giám đốc (CEO) Infosys, đang giới thiệu cho tôi phòng hội thảo trực tuyến toàn cầu của ông, với sự kiêu hãnh chỉ lên một chiếc TV có màn hình phẳng rộng cỡ bức tường, mà ông nói đó là chiếc TV lớn nhất Châu Á. Infosys, ông giải thích, có thể tiến hành những buổi họp ảo với các nhân vật chính trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của nó cho bất kỳ dự án nào, và vào bất kỳ lúc nào trên cái màn hình siêu lớn đó. Như thế trên màn hình các nhà thiết kế Mỹ có thể nói chuyện với những người viết phần mềm Ấn Độ và các nhà sản xuất Á Châu của họ cùng một lúc. Đó chính là bộ mặt của toàn cầu hoá trong thời kỳ hiện nay, Nilekani nói. Bên trên màn hình là 8 chiếc đồng hồ tóm tắt rất khéo thời gian làm việc của Infosys: 24/7/365 (24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần và 365 ngày một năm). Đồng hồ được gắn nhãn Tây Hoa Kì, Đông Hoa Kì, GMT, Ấn Độ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và Australia.
“Outsourcing chỉ là một chiều của một thứ cơ bản hơn nhiều đang xảy ra trên thế giới ngày nay,” Nilekani giải thích. “Cái đã xảy ra trong những năm qua đó chính là sự đầu tư ồ ạt cho công nghệ, đặc biệt trong kỷ nguyên sôi động này, khi hàng trăm triệu dollar được đầu tư cho kết nối băng thông rộng trên toàn thế giới, cáp ngầm dưới biển, tất cả những thứ đó”. Cũng trong thời gian đó, ông nói thêm, máy tính đã trở nên rẻ hơn và có mặt khắp nơi trên thế giới, và sự bùng nổ các phần mềm e-mail, các công cụ tìm kiếm như Google và những phần mềm sở hữu riêng có thể chặt nhỏ bất cứ công việc nào và gửi một phần đến Boston, một phần đến Bangalore, một phần đến Bắc Kinh, tạo sự dễ dàng cho bất cứ ai tiến hành phát triển từ xa. Khi tất cả những thứ này đột nhiên đến cùng một lúc vào khoảng năm 2000, Nilekani nói, chúng “đã tạo ra một nền mà lao động trí tuệ, vốn trí tuệ có thể được giao từ bất cứ đâu. Những thứ này có thể được tách nhỏ, giao, phân phối, sản xuất và ráp lại cùng nhau lần nữa – và điều này đã cho cách làm việc của chúng ta một độ tự do hoàn toàn mới, đặc biệt công việc có tính chất trí tuệ. Và những gì anh đang nhìn thấy tại Bangalore ngày nay thực sự là đỉnh điểm của tất cả những điều trên kết hợp lại.”
Tại một điểm, tóm tắt các ẩn ý của tất cả điều này, Nilekani đã thốt ra một cụm từ cứ lảng vảng trong đầu tôi. Ông nói với tôi, “Tom, sân chơi đang được san phẳng”. Ý ông muốn nói là các nước như Ấn Độ bây giờ có khả năng cạnh tranh ngang nhau về lao động tri thức toàn cầu như chưa bao giờ có trước đây - và rằng tốt hơn nếu Hoa Kì sẵn sàng cho điều này. Khi tôi rời khu Infosys quay lại Bangalore tối hôm ấy và bị xe xóc suốt dọc đường ổ gà, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cụm từ đó: “Sân chơi đang được san phẳng”.
“Cái Nandan nói,” tôi nghĩ, “là sân chơi đang được san phẳng. Được san phẳng? Được san phẳng? Lạy Chúa, ông ta nói với tôi trái đất này phẳng!”
Tôi đã ở đây tại Bangalore – hơn 500 năm sau khi Columbus hướng về đường chân trời, tìm kiếm con đường ngắn hơn để tới Ấn Độ bằng những công nghệ hàng hải thô sơ của thời ông, và trở về an toàn để chứng minh dứt khoát rằng trái đất tròn – và một trong những kỹ sư tinh nhanh nhất Ấn Độ, được đào tạo tại học viện kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ và được hỗ trợ bởi những công nghệ hiện đại nhất hiện nay, đã nói với tôi rằng trái đất này phẳng, phẳng như màn hình mà trên đó ông ta có thể chủ trì cuộc họp của toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Thậm chí lí thú hơn, ông còn biểu dương sự phát triển này như một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của loài người và là một cơ hội to lớn cho Ấn Độ và thế giới – một sự thực đã làm cho thế giới của chúng ta phẳng!
Quá trình này đã xảy ra trong một thời gian dài, Toàn cầu hoá 1.0 (1492 đến 1800) đã co thế giới từ cỡ lớn về cỡ trung bình, và động lực trong thời đại đó là những quốc gia tiến hành toàn cầu hoá vì tài nguyên và sự xâm chiếm đế quốc. Toàn cầu hoá 2.0 (từ khoảng 1800 đến 2000) co thế giới từ cỡ trung bình về cỡ nhỏ, và những người dẫn đầu là các công ty tiến hành toàn cầu hoá vì thị trường và lao động. Toàn cầu hoá 3.0 (bắt đầu từ khoảng năm 2000) đang co thế giới từ cỡ nhỏ về cỡ tí hon và đồng thời san phẳng sân chơi. Và trong khi động lực trong toàn cầu hoá 1.0 là các quốc gia toàn cầu hoá, và trong toàn cầu hoá 2.0 là các công ty toàn cầu hoá, động lực trong toàn cầu hoá 3.0 – thứ khiến cho giai đoạn này có một tính cách độc nhất vô nhị - đó là những cá nhân và những nhóm nhỏ tiến hành toàn cầu hoá. Bây giờ các cá nhân phải, và có thể, đưa ra câu hỏi: tôi hợp với cạnh tranh toàn cầu và những cơ hội của thời nay ở chỗ nào, và làm sao tôi có thể, tự mình, cộng tác với những người khác trên toàn thế giới? Nhưng toàn cầu hoá 3.0 không những khác với các thời đại trước ở chỗ nó co và san phẳng thế giới ra sao và nó trao quyền cho những cá nhân như thế nào. Mà nó còn khác biệt so với toàn cầu hoá 1.0 và 2.0 ở chỗ hai giai đoạn này được tiến hành chủ yếu bởi những công ty và những quốc gia Âu Mỹ. Nhưng tiến về tương lai, điều này sẽ ngày càng ít đúng hơn. Toàn cầu hoá 3.0 không chỉ sẽ được lèo lái bởi những cá nhân mà cũng bởi các nhóm cá nhân – không Phương Tây, không da trắng - đa dạng hơn nhiều. Chúng ta sẽ thấy mọi mầu sắc của chiếc cầu vồng con người tham gia vào toàn cầu hoá 3.0.
“Ngày nay, thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi đó là sự thực rằng một đứa trẻ 14 tuổi ở Rumania hay Bangalore hay Liên Xô hay Việt Nam có tất cả thông tin, tất cả các công cụ, và tất cả những phần mềm dễ kiếm để ứng dụng tri thức bằng bất cứ cách nào chúng muốn”, Marc Andreesen, một đồng sáng lập của Netscape và người sáng tạo ra trình duyệt Internet thương mại đầu tiên, nói.“Đó chính là lý do vì sao tôi chắc chắn rằng Napster tiếp theo sẽ ra mắt từ sân trái. Khi khoa học sinh học ngày càng trở nên có tính tính toán nhiều hơn và ít về các phòng thí nghiệm ẩm ướt hơn và khi tất cả các dữ liệu về gen trở nên dễ kiếm hơn trên Internet, tại điểm nào đó bạn sẽ có thể thiết kế các vaccin trên máy tính xách tay của mình.”
Andreessen động chạm đến phần kích thích nhất của toàn cầu hoá 3.0 và sự san phẳng thế giới: sự thực rằng bây giờ chúng ta đang trong quá trình kết nối tất cả những nguồn tri thức trên thế giới lại với nhau. Chúng ta đã nếm trải một vài mặt trái của nó qua cách mà Osama bin Laden kết nối những nguồn kiến thức khủng bố lại với nhau thông qua mạng lưới Qaida của hắn, chẳng nói đến việc các hacker vị thành niên tung ra ngày càng nhiều những loại virus máy tính chết người đã và đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Nhưng mặt tốt chính là với sự kết nối tất cả những nguồn tri thức như vậy, chúng ta đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên mới khó tin nổi của sự cách tân, kỷ nguyên đó sẽ được lèo lái từ sân trái và sân phải, từ Tây và Đông và từ Bắc và Nam. Chỉ mới 30 năm trước thôi, nếu như bạn có một sự lựa chọn để được sinh ra làm một sinh viên loại B ở Boston hay là một thiên tài ở Bangalore hay Bắc Kinh, có lẽ bạn đã chọn Boston, bởi vì một thiên tài ở Bắc Kinh hay Bangalore không thể thực sự phát huy được tài năng của mình. Họ không thể plug and play [cắm và chơi] một cách toàn cầu. Không còn thế nữa. Không, khi thế giới là phẳng, và bất cứ ai với trí thông minh, tiếp cận đến Googgle và máy tính không dây rẻ tiền có thể tham gia vào cuộc tranh đua đổi mới.
Khi thế giới là phẳng, bạn có thể đổi mới mà không cần phải di cư. Điều này đang trở nên đáng quan tâm. Chúng ta sắp sửa chứng kiến sự phá huỷ đầy sáng tạo bằng các steroid.
Trái đất đã trở nên bằng phẳng thế nào, và làm sao nó lại diễn ra nhanh đến vậy?
Đó là kết quả của 10 sự kiện xảy ra cùng nhau trong các năm 1990 và đã hội tụ lại đúng vào khoảng năm 2000. Hãy để tôi điểm qua chúng một cách vắn tắt. Sự kiện đầu tiên là 9/11. Đúng như vậy - không phải 11 tháng 9 mà là ngày 9 tháng 11. Mùng 9 tháng 11 năm 1989, là ngày mà bức tường Berlin sụp đổ, đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng bởi vì nó cho phép chúng ta nghĩ đến thế giới như một không gian duy nhất. “Bức tường Berlin đã không chỉ là một biểu tượng giữ người dân ở bên trong nước Đức, mà còn là một cách ngăn cản một loại tầm nhìn toàn cầu về tương lai của chúng ta,” nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Amaryta Sen đã nói. Và bức tường sụp xuống đúng khi windows [các cửa sổ] đi lên - sự đột phá của hệ điều hành Windows 3.0 của Microsoft, đã giúp làm phẳng sân chơi thậm chí nhiều hơn bằng tạo ra một giao diện máy tính toàn cầu, được giao hàng sáu tháng sau khi bức tường sụp đổ.
Ngày mấu chốt thứ hai là 9/8. Mùng 9 tháng 8 năm 1995, đó là ngày Netscape niêm yết trên thị trường chứng khoán, sự kiện này gây ra hai thứ quan trọng. Thứ nhất, nó đã mang lại sức sống cho Internet bằng cách cung cấp cho chúng ta một trình duyệt để thể hiện những hình ảnh và dữ liệu được lưu trữ trên các Web site. Thứ hai, việc chào bán cổ phần của Netscape đã châm ngòi cho cơn sốt dot-com, cơn sốt gây ra bong bóng dot-com, bong bóng gây ra sự đầu tư quá mức ồ ạt hàng tỉ dollar vào cáp quang viễn thông. Sự đầu tư quá mức đó, bởi các công ty như Global Crossing, đã dẫn đến, dù muốn hay không muốn, sự hình thành một hệ thống cáp quang toàn cầu dưới biển và dưới đất, và điều này đến lượt nó đã đẩy các chi phí truyền dẫn âm thanh, dữ liệu và hình ảnh hầu như xuống bằng không, tình cờ một sớm một chiều khiến cho Boston, Bangalore và Bắc Kinh trở thành những láng giềng sát vách. Tóm lại, cái mà cuộc cách mạng Netscape đã làm đó là nâng khả năng kết nối giữa con người với con người lên một mức hoàn toàn mới. Đột nhiên nhiều người hơn có thể kết nối với nhiều người khác hơn từ nhiều chỗ khác nhau hơn theo nhiều cách khác nhau hơn từng có trước đây.
Không có bất cứ quốc gia nào tình cờ được lợi từ sự kiện Netscape hơn Ấn Độ. “Ấn Độ không có tài nguyên hay hạ tầng cơ sở gì” Dinakar Singh, một trong những giám đốc quỹ tự bảo hiểm [hedge-fund] được tôn trọng nhất ở phố Wall nói, và bố mẹ của ông là những người đã có bằng tiến sĩ về hoá sinh tại trường Đại học Delhi trước khi di cư sang Mỹ. “Nó đã tạo ra người dân với chất lượng và bằng số lượng. Nhưng rất nhiều trong số họ đã mục rữa như rau cỏ tại những bến cảng Ấn Độ. Chỉ có một số rất ít có thể lên tàu và thoát khỏi. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, bởi vì chúng ta đã xây dựng con tàu vượt đại dương này, được gọi là cáp quang. Trong hàng thập kỷ bạn phải rời khỏi Ấn Độ để trở thành chuyên gia. Bây giờ bạn có thể plug [cắm] vào thế giới từ Ấn Độ. Bạn không cần phải đi đến Yale và không cần phải làm việc cho Goldman Sachs.” Ấn Độ chẳng bao giờ có thể đủ khả năng chi trả cho dải băng thông để kết nối Ấn Độ có đầu óc với Mỹ có công nghệ cao, vì thế các cổ đông Mỹ chi trả cho việc đó. Vâng, đầu tư quá mức điên rồ có thể là tốt. Sự đầu tư quá mức vào đường sắt đã hoá ra là một lợi ích to lớn cho nền kinh tế Mỹ. “Nhưng sự đầu tư quá mức vào đường sắt chỉ giới hạn trong quốc gia riêng của bạn và các lợi ích cũng thế,” Singh nói. Trong trường hợp đường sắt kỹ thuật số, “những người ngoại quốc là những người được lợi.” Ấn Độ được một chuyến đi miễn phí.
Lần đầu tiên điều này trở thành sự thật đó là khi hàng nghìn kỹ sư Ấn Độ được tuyển mộ để giải quyết sự cố Y2K – năm 2000 – các lỗi máy tính ảnh hưởng đến những công ty trên khắp thế giới. ( Y2K phải là ngày quốc lễ ở Ấn Độ. Hãy gọi nó là “Indian Interdependence Day” [Ngày phụ thuộc lẫn nhau của người Ấn Độ], Michael Mandelbaum, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Johns Hopkins, nói.) Sự thực rằng việc khắc phục sự cố Y2K được outsource cho những người Ấn Độ là do hai nhân tố làm phẳng đầu tiên này làm cho có thể, cùng với nhân tố thứ ba, mà tôi gọi là “workflow”. Workflow là phép tốc ký cho tất cả các ứng dụng phần mềm, những chuẩn mực và các đường truyền dẫn điện tử, như middleware [phần mềm trung gian giúp cho sự kết nối các phần mềm khác], cái kết nối tất cả những máy tính đó với cáp quang. Nói cách khác, nếu cách mạng Netscape đã kết nối người với người như chưa từng có trước đây, thì cái mà cuộc cách mạng workflow đã làm là kết nối các ứng dụng với các ứng dụng sao cho người dân ở khắp nơi trên thế giới có thể làm việc cùng nhau trong thao tác và nhào nặn từ ngữ, dữ liệu và hình ảnh trên máy tính như chưa từng có từ trước đến nay.
Thực vậy, sự đột phá về tính kết nối người-với-người và ứng dụng-với-ứng dụng đã tạo ra, nhanh và không ồn ào, thêm sáu cái làm phẳng nữa – sáu cách mới theo đó các cá nhân và các công ty có thể cộng tác dựa vào công việc và tri thức chung. Một trong số đó là “outsourcing”. Khi các ứng dụng phần mềm của tôi có thể kết nối trơn tru với tất cả những ứng dụng của bạn, nó có nghĩa là tất cả các loại công việc – từ kế toán đến viết phần mềm – đều có thể số hoá, chia nhỏ và chuyển tới bất kỳ nơi nào trên thế giới nơi công việc đó có thể được làm tốt hơn và rẻ hơn. Cái thứ hai chính là “offshoring” [làm ở ngoài lãnh thổ]. Tôi chuyển cả nhà máy của tôi từ Canton [bang] Ohio sang Canton [Quảng Đông], Trung Quốc. Cái thứ ba là “open–sourcing” [nguồn mở]. Tôi viết một hệ thống điều hành mới, Linux, bằng việc sử dụng những kỹ sư cộng tác với nhau trực tuyến và làm việc miễn phí. Cái thứ tư là “insourcing” [thuê làm bên trong]. Tôi để cho một công ty như UPS vào công ty tôi và tiếp quản toàn bộ hoạt động tiếp vận – tất cả mọi thứ từ điền thông tin vào đơn đặt hàng trực tuyến của tôi đến phân phát hàng hoá của tôi cho đến việc sửa chữa chúng cho các khách hàng khi chúng hỏng hóc. (Mọi người vẫn chưa có khái niệm về UPS làm gì ngày nay, bạn sẽ kinh ngạc cho mà xem!) Cái thứ năm đó là “Supply-chaining” [xâu chuỗi cung]. Đây là một nét đặc biệt của Wal–Mart. Tôi tạo ra một chuỗi cung toàn cầu cho tận tới nguyên tử cuối cùng của tính hiệu quả sao cho nếu tôi bán một món ở Arkansas, thì một món khác được sản xuất ngay lập tức ở Trung Quốc. (Giả như nếu Wal-Mart là một quốc gia, thì nó sẽ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc). Dạng mới cuối cùng của sự cộng tác mà tôi gọi là “informing” [cấp tin], đó chính là Google, Yahoo và MSN Search, những công cụ tìm kiếm mà hiện nay cho phép bất kỳ ai cộng tác với, và khai thác, dữ liệu không có giới hạn tất cả do chính mình.
Như thế ba cái làm phẳng đầu tiên đã tạo nên một nền mới cho sự cộng tác, và sáu cái tiếp theo là những hình thức cộng tác mới đã làm phẳng thế giới thậm chí nhiều hơn. Cái làm phẳng thứ 10 được tôi gọi là các “steroid” và những cái này là truy cập không dây và âm thanh trên giao thức Internet (voice over Internet Protocol - VoIP). Cái các steroid làm là nạp nhanh [turbocharge] tất cả các hình thức cộng tác mới này, vì thế bây giờ bạn có thể thực hiện bất cứ hình thức nào trong số chúng, từ bất cứ đâu, với bất kỳ thiết bị nào.
Thế giới trở nên phẳng khi tất cả 10 cái làm phẳng này hội tụ nhiều hình thức cộng tác về nghiên cứu và làm việc trong thời gian thực quanh năm, mà không cần để ý đến địa lý, khoảng cách hay, trong tương lai gần, thậm chí ngôn ngữ. “Chính sự tạo ra platform này [cái nền này], với các thuộc tính độc nhất này, là sự đột phá bền vững quan trọng thật sự khiến cho cái bạn gọi là sự làm phẳng thế giới là có thể”, Craig Mundie tổng giám đốc kỹ thuật của Microsoft đã nói.
Không, chưa phải mọi người đã có thể tiếp cận đến platform này, nhưng hiện nay nó đang rộng mở cho cho nhiều người hơn ở nhiều nơi khác nhau hơn trong nhiều ngày hơn và bằng nhiều cách hơn bất kỳ hình thức nào giống như nó đã từng có trong lịch sử – cho dù đó là thế giới báo chí, với những người truy cập mạng (bloggers) đã hạ bệ Dan Rather, hay trong thế giới phần mềm, với những nhà viết mã Linux làm việc trên các diễn đàn trực tuyến miễn phí để thách thức Microsoft; hay thế giới kinh doanh, nơi những người đổi mới Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh chống lại và cộng tác với một số tập đoàn xuyên quốc Phương Tây tiên tiến nhất – các hệ thống thứ bậc đang được san phẳng và giá trị được tạo ra ngày càng ít hơn bên trong các silo theo phương thẳng đứng [các tổ chức thứ bậc dọc] và ngày càng nhiều thông qua sự cộng tác theo phương nằm ngang trong phạm vi các công ty, và giữa các công ty và giữa các cá nhân.
Có phải bạn gợi lại “cuộc cách mạng công nghệ thông tin” mà báo chí kinh doanh đã tung ra trong 20 năm qua? Thật buồn để nói cho bạn điều này, nhưng đó chỉ mới là phần mở đầu. 20 năm vừa qua mới chỉ là bận việc rèn, mài sắc và phân phối tất cả các công cụ mới để kết nối và cộng tác. Và hiện giờ cuộc cách mạng thông tin sắp bắt đầu khi tất cả những sự bổ sung lẫn nhau giữa các công cụ cộng tác đó bắt đầu hội tụ. Carly Fiorina, cựu CEO của Hewlett–Packard là một trong số những người đầu tiên gọi giây phút này bằng tên thật của nó, năm 2004 bà đã tuyên bố trong bài diễn thuyết trước công chúng của mình rằng sự bùng nổ và phá sản dot-com đã chỉ “là sự kết thúc của phần đầu”. 25 năm vừa qua trong công nghệ, Fiorina nói, mới chỉ là “hoạt động khởi động” mà thôi. Bây giờ chúng ta đang tiến vào sự kiện chính, bà nói, “và với sự kiện chính đó, tôi muốn nói đến một kỷ nguyên trong đó công nghệ thực sự biến đổi mọi khía cạnh của kinh doanh, của chính phủ, của xã hội, của cuộc sống.”
Cứ như sự san phẳng này vẫn chưa đủ, một sự hội tụ khác không kém phần quan trọng đã xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong suốt những năm 1990. Khoảng ba tỷ người bị loại khỏi trò chơi đã đi, và thường chạy trên sân chơi. Tôi đang nói đến những người sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ La Tinh và Trung Á. Hệ thống chính trị và kinh tế của những nước này tất cả đã mở cửa trong các năm 1990, do đó nhân dân của họ ngày càng tự do hơn để tham gia thị truờng tự do. Và khi nào ba tỷ người này hội tụ với sân chơi mới và với các quá trình kinh doanh mới? Ngay khi nó được san phẳng, ngay khi hàng triệu người trong số họ có thể cạnh tranh và và cộng tác với nhau một cách ngang bằng hơn, theo chiều ngang hơn và với các công cụ rẻ hơn và dễ kiếm hơn. Thực vậy, nhờ sự làm phẳng thế giới, nhiều trong số những người tham gia mới này thậm chí không phải ra khỏi nhà để tham gia. Nhờ 10 cái làm phẳng, sân chơi đã đến với họ!
Chính sự hội tụ này – của những người chơi mới, trên một sân chơi mới, phát triển các qui trình mới cho sự cộng tác theo chiều ngang – tôi tin là lực lượng quan trọng nhất định hình lại nền kinh tế và chính trị toàn cầu trong những năm đầu thế kỷ 21. Chắc chắn, không phải tất cả ba tỷ người đó có thể cộng tác và cạnh tranh. Thực ra, đối với hầu hết mọi người trái đất vẫn chưa phẳng chút nào. Nhưng thậm chí nếu chúng ta chỉ nói đến khoảng 10 phần trăm, đấy là 300 triệu người – cỡ khoảng gấp đôi lực lượng lao động Mỹ. Và hãy thận trọng: những người Ấn Độ và Trung Quốc không chạy đua với chúng ta đến đáy. Họ chạy đua với chúng ta đến tận đỉnh. Điều mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn đó là thế hệ mới của đồ lót và cánh máy bay không những chỉ được “sản xuất tại Trung Quốc” mà còn được “thiết kế tại Trung Quốc”. Và đó là nơi sự việc đang hướng tới. Và trong 30 năm chúng ta sẽ đi từ “bán tại Trung Quốc” đến “sản xuất tại Trung Quốc” tới “ thiết kế tại Trung Quốc” và cho tới “Tưởng tượng ra tại Trung Quốc” - hay từ một Trung Quốc như một người cộng tác với các nhà sản xuất toàn cầu không dựa trên cái gì cả đến một Trung Quốc như một người cộng tác có chi phí thấp, chất lượng cao, và siêu hiệu quả với các nhà sản xuất toàn cầu trên mọi lĩnh vực. Với Ấn Độ cũng như vậy. Craig Barrett, chủ tịch hội đồng quản trị Intel đã nói, “Bạn không đưa ba tỷ người vào nền kinh tế thể giới qua một đêm mà không có những hậu quả khổng lồ, đặc biệt là từ ba xã hội có những di sản giáo dục phong phú” như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nga.
Đó là vì sao không có gì đảm bảo rằng người Mỹ và Tây Âu sẽ tiếp tục dẫn đường. Những người chơi mới này đang bước lên trên sân chơi không bị vướng vào di sản, có nghĩa là rất nhiều trong số họ đã ở xa đằng sau đến mức họ có thể vượt thẳng đến những công nghệ mới mà không phải lo lắng về tất cả những chi phí lắng chìm của các hệ thống cũ. Nó có nghĩa là họ có thể tiến rất nhanh để chấp nhận những công nghệ mới, tiên tiến, đó là vì sao hiện nay điện thoại di động được dùng ở Trung Quốc đã nhiều hơn dân số Mỹ rồi.
Nếu như bạn muốn đánh giá đúng loại thách thức chúng ta đang đối mặt, hãy để tôi chia sẻ với bạn hai cuộc nói chuyện. Một cuộc với một vài nhân viên Microsoft dính líu đến việc thành lập trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu Microsoft Châu Á, khai trương năm 1998 – sau khi Microsoft gửi các nhóm đến các trường đại học Trung Quốc để thực hiện kiểm tra IQ nhằm tuyển mộ những bộ não thông minh nhất trong 1,3 tỷ người Trung Quốc. Từ 2000 sinh viên kỹ thuật và khoa học được kiểm tra, Microsoft đã thuê 20 người. Họ có tiếng nói ở Microsoft về trung tâm Châu Á của họ, điều đó lột tả được cường độ cạnh tranh để có được một việc làm ở đó và giải thích vì sao nó đã là một nhóm nghiên cứu có năng suất nhất ở Microsoft: “Hãy nhớ rằng, ở Trung Quốc, nếu bạn là một trong một triệu người, thì vẫn có 1.300 người khác đúng như bạn.”
Cuộc khác là cuộc nói chuyện của tôi với Rajesh Rao, một nhà doanh nghiệp trẻ Ấn Độ người thành lập một công ty trò chơi điện tử ở Bangalore, người hiện nay đang giữ bản quyền sử dụng hình ảnh của Charlie Chaplin trong các trò chơi máy tính di động. “Chúng tôi không thể nghỉ ngơi”, Rao nói, “Tôi nghĩ trong trường hợp nước Mỹ đó là cái xảy ra một chút. Hãy nhìn tôi đây: tôi là người Ấn Độ. Trước đây chúng tôi đã ở một trình độ rất khác về mặt công nghệ và kinh doanh. Nhưng một khi chúng tôi thấy mình đã có hạ tầng cơ sở biến thế giới thành một chỗ nhỏ, chúng tôi ngay lập tức cố gắng sử dụng nó một cách tốt nhất. Chúng tôi đã thấy ở đó rất nhiều việc mình có thể làm. Chúng tôi tiến lên phía trước, và hiện nay những gì chúng ta chứng kiến là kết quả của điều đó. Không có thời gian cho nghỉ ngơi. Điều đó đã qua rồi. Có hàng tá người đang làm cùng một công việc mà bạn đang làm, và họ đang cố gắng làm tốt hơn. Nó giống như nước trong một cái khay: bạn lắc nó, và nó sẽ tìm được đường ít cản trở nhất. Đó là cái sẽ xảy ra với rất nhiều việc làm – chúng sẽ đi đến xó xỉnh đó của thế giới nơi có ít cản trở nhất và nhiều cơ hội nhất. Nếu có một người có kĩ năng ở Timbuktu, anh ta sẽ có việc làm nếu anh ta biết làm thế nào để tiếp cận đến phần còn lại của thế giới, một việc khá dễ hiện nay. Bạn có thể dựng một Web site và có một địa chỉ e-mail và bạn đã chuẩn bị xong và bắt đầu hoạt động. Và nếu bạn có khả năng chứng tỏ công việc của mình, dùng cùng hạ tầng cơ sở đó, và nếu người ta yên tâm cho bạn công việc và nếu bạn chăm chỉ và trong sạch trong các giao dịch của mình, thì bạn đang kinh doanh”.
Thay cho than phiền về outsourcing, Rao nói, Người Mỹ và Tây Âu “tốt hơn hết nên nghĩ làm thế nào để nâng xà của mình lên và nâng bản thân mình lên để làm việc gì đó tốt hơn. Người Mỹ đã kiên định dẫn đầu về đổi mới trong cả thế kỷ trước. Người Mỹ rên rỉ than vãn - chúng ta chưa từng thấy bao giờ.”
Rao nói đúng. Và đây là thời điểm chúng ta phải tập trung. Với tư cách là một người trưởng thành trong thời chiến tranh lạnh, tôi luôn nhớ lái xe trên đường cao tốc và nghe radio, khi tiếng nhạc vụt tắt và một giọng nói nghiêm khắc nói trực tiếp trong radio: “Đây là một cuộc thử nghiệm. Đài phát thanh đang tiến hành một cuộc thử nghiệm Hệ thống Cảnh báo trên sóng truyền thanh”. Và tiếp theo sau đó là 20 giây còi báo động chói tai. Thật may, chúng ta đã không bao giờ phải trải qua dù một giây trong chiến tranh lạnh khi phát thanh viên thông báo, “Đây không phải là một cuộc thử nghiệm”.
Đó, tuy vậy, chính xác là cái tôi muốn nói ở đây: “Đây không phải là một cuộc thử nghiệm”
Những cơ hội và thách thức dài hạn mà sự san phẳng trái đất đặt ra trước nước Mỹ là rất sâu rộng. Do vậy, khả năng của chúng ta để vượt qua bằng làm việc theo cách chúng ta đã làm - tức là không luôn luôn làm giàu thêm cái món nước xốt bí mật của chúng ta - sẽ không còn đủ nữa. “Đối với một quốc gia giàu có như chúng ta, thật đáng kinh ngạc khi chúng ta hành động ít đến thế nào để tăng cường khả năng cạnh tranh vốn có của mình,” Dinakar Singh, vị giám đốc hedge-fund người Mỹ gốc Ấn, nói. “Chúng ta đang sống trong một thế giới có một hệ thống hiện nay cho phép sự hội tụ giữa nhiều tỷ người, và tốt hơn hết chúng ta nên lùi lại để tìm hiểu xem nó có nghĩa là gì. Sẽ là một sự trùng hợp thú vị nếu như tất cả mọi thứ đã từng đúng trước đây hiện nay vẫn còn đúng, nhưng có hơi nhiều thứ bạn thực sự phải làm khác đi. Cần phải có một cuộc thảo luận quốc gia sâu sắc hơn rất nhiều”.
Nếu thời điểm này có bất cứ sự tương tự nào trong lịch sử Mỹ mới đây, đó chính là đỉnh điểm của chiến tranh lạnh, khoảng 1957, khi Liên Xô vượt qua Mỹ trong cuộc đua không gian bằng việc phóng thành công vệ tinh Spunik. Và thách thức thực sự khi đó đến từ những nước muốn xây các bức tường ngăn; thách thức chính của người Mỹ ngày nay đến từ sự thực là các bức tường đó đã bị sụp đổ và hiện nay có nhiều người khác nữa có thể cạnh tranh và cộng tác với chúng ta một cách trực tiếp hơn nhiều. Thách thức chính trong thế giới đó đã là từ các nước thực hành chủ nghĩa cộng sản cực đoan, cụ thể là Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Thách thức chính đối với người Mỹ ngày nay là từ các nước thực hành chủ nghĩa Tư bản cực đoan, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Triều Tiên. Mục tiêu chính trong thời kỳ trước là xây dựng một quốc gia hùng mạnh, mục tiêu chính trong thời kỳ này là xây dựng những cá nhân hùng mạnh. Đương đầu với những thách thức của chủ nghĩa san phẳng đòi hỏi một đáp ứng toàn diện, mạnh mẽ và tập trung như đáp ứng đã đương đầu với chủ nghĩa cộng sản. Nó đòi hỏi một vị tổng thống có thể tập hợp quốc gia để chịu khó làm việc hơn, trở nên thông minh hơn, thu hút nhiều thanh niên hơn đến với khoa học và kỹ thuật và xây dựng một hạ tầng cơ sở băng thông rộng, một hệ thống trợ cấp hưu trí và chăm sóc sức khoẻ linh động có thể giúp mọi công dân Mỹ trở nên có thể dùng được hơn ở một thời đại trong đó không ai có thể đảm bảo cho bạn công ăn việc làm suốt đời.
Chúng ta đã chậm trễ để đối phó với các thách thức của chủ nghĩa san phẳng mới, ngược lại đối với chủ nghĩa cộng sản, có lẽ bởi vì chủ nghĩa san phẳng không dính đến các tên lửa xuyên lục địa nhắm vào các thành phố của chúng ta. Quả thực, đường dây nóng, được dùng để kết nối điện Kremlin với Nhà Trắng, đã được thay thế bằng đường dây trợ giúp, để nối mọi người ở Mỹ với các trung tâm trợ giúp ở Bangalore. Trong khi đầu bên kia của đường dây nóng đã có thể là Leonid Breznhev với những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân, thì ở đầu bên kia của đường dây trợ giúp chỉ là một giọng nói nhẹ nhàng và sẵn lòng giúp đỡ để sắp xếp hoá đơn thanh toán AOL của bạn hay hợp tác với bạn về một mẩu phần mềm mới. Không, giọng nói đó không hề có chút nào sự đe doạ của Nikita Khrushchev đập giày lên bàn tại Liên Hợp Quốc, và nó không hề có chút nào tiếng hằm hè đầy sát khí của những tên bất lương trong băng “From Russia with love” (Từ nước Nga với tình yêu). Không, giọng nói trên đường dây trợ giúp đó chỉ là lời nhẹ nhàng du dương và thân thiện của người Ấn Độ đã che lấp bất cứ cảm giác nào về đe doạ và thách thức. Nó đơn giản nói: “Xin chào, tôi là Rajiv. Tôi có thể giúp bạn?”
Không, Rajiv, thực sự bạn không thể. Khi đến phản ứng với những thách thức của thế giới phẳng, thì không có đường dây trợ giúp nào chúng ta có thể gọi. Chúng ta phải đào sâu vào chính mình. Chúng ta ở nước Mỹ có đủ tất cả những công cụ kinh tế và giáo dục cơ bản để làm việc đó. Nhưng chúng ta đã không cải thiện các công cụ đó ở mức độ chúng ta phải làm. Đó là lý do tại sao chúng ta ở trong cái mà Shirley Ann Jackson, chủ tịch năm 2004 của Hội vì sự Tiến bộ khoa học Mỹ và hiệu trưởng của Học viện Bách khoa Rensslaer, gọi là một “cuộc khủng hoảng thầm lặng” – một cuộc khủng hoảng ăn mòn một cách chậm rãi nền tảng khoa học và kỹ thuật của Mỹ.
“Nếu không được kiềm chế”, Jackson, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng tiến sĩ về vật lý từ M.I.T. nói, “điều này sẽ thách thức tính ưu việt và khả năng đổi mới của chúng ta”. Và đó chính là khả năng của chúng ta để liên tục đổi mới các sản phẩm mới, các dịch vụ và những công ty mà đã là nguồn của sự sung túc và của một tầng lớp trung lưu không ngừng mở rộng của Mỹ trong hai thế kỷ qua. Cuộc khủng hoảng thầm lặng này là sản phẩm của ba lỗ hổng đang gây bệnh dịch cho xã hội Mỹ hiện nay. Thứ nhất là một “lỗ hổng tham vọng.” So với thanh niên Ấn Độ và Trung Quốc đầy nghị lực, quá nhiều bạn trẻ Mỹ đã trở nên quá lười biếng. Như David Rothkopf, cựu viên chức Bộ Thương mại thời Clinton, diễn đạt, “Cái quyền thực sự mà chúng ta cần phải thoát khỏi chính là cảm giác của chúng ta về quyền được”. Thứ hai, chúng ta có rất nhiều lỗ hổng hình thành. Chúng ta không đào tạo đủ kỹ sư và nhà khoa học. Chúng ta đã từng trám những lỗ hổng này lại bằng cách nhập khẩu họ từ Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng trong một thế giới phẳng, mọi người có thể ở nhà và cạnh tranh với chúng ta, và trong thế giới hậu 11 tháng 9 này, nơi mà chúng ta đang điên cuồng không cho nhiều trong số các trí thức được chọn lọc hiệp đầu trên thế giới vào Mỹ vì những lý do an ninh bị cường điệu hoá, chúng ta không còn có thể lấp được lỗ hổng đó. Đó là lý do chủ yếu vì sao các công ty ngó ra nước ngoài. Số lượng không có ở đây. Và cuối cùng chúng ta đang mở rộng một lỗ hổng giáo dục. Có một chút bí mật bẩn thỉu mà không Tổng giám đốc nào muốn nói cho bạn biết: họ không chỉ outsourcing để tiết kiệm về tiền lương. Họ làm điều đó bởi vì họ thường có được những người có kĩ năng tốt hơn và có năng suất hơn các công nhân Mỹ của họ.
Đấy là một số lý do mà Bill Gates, chủ tịch của Microsoft, đã cảnh báo tại hội nghị các uỷ viên hội đồng quản trị [trường đại học] trong diễn văn ngày 26 tháng 2 rằng hệ thống giáo dục trung học của Mỹ đã “lỗi thời”. Như Gates diễn đạt: “Khi tôi so sánh các trường trung học của chúng ta với những gì tôi đã thấy khi tôi ra nước ngoài, tôi cảm thấy lo sợ cho lực lượng lao động tương lai của chúng ta. Về toán học và khoa học, học sinh lớp bốn của chúng ta thuộc trong số những học sinh hàng đầu trên thế giới. Khi lên đến lớp tám, chúng thuộc hạng trung bình. Và khi lên đến lớp 12, những học sinh Mỹ đứng gần cuối trong tất cả những nước công nghiệp…. Phần trăm dân số có bằng cao đẳng là quan trọng, nhưng con số tuyệt đối cũng quan trọng không kém. Vào năm 2001, tại Ấn Độ số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nhiều hơn Mỹ khoảng một triệu người. Số sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp với bằng cử nhân gấp đôi ở Mỹ, và gấp sáu lần về số sinh viên tốt nghiệp chuyên nghành kỹ thuật. Trong cuộc cạnh tranh quốc tế để có cung lớn nhất và tốt nhất về lao động trí óc, nước Mỹ đang tụt lại đằng sau.”
Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức. Phải mất khoảng 15 năm để đào tạo được một kỹ sư giỏi, bởi vì, thưa quí ông quí bà, đấy thực sự là khoa học tên lửa. Vì vậy hỡi các ông bố bà mẹ, hãy vứt Game Boy đi, tắt TV và bắt con cái làm việc. Đấy chẳng phải là những lời đường mật, trong một thế giới phẳng, mọi cá nhân sẽ phải chạy nhanh hơn một chút nếu anh ta (hay cô ta) muốn tăng mức sống của mình lên. Khi tôi còn đang lớn, bố mẹ thường nói với tôi: “Tom, ăn hết phần cơm tối của con đi, người ta đang chết đói ở Trung Quốc đấy”. Nhưng sau khi du hành tới tận bên rìa của thế giới phẳng này trong một năm, bây giờ tôi bảo với con gái tôi rằng, “Con gái, làm xong bài tập của con đi, những người ở Trung Quốc và Ấn Độ đang thèm khát công việc của con đó.”
Tôi xin lặp lại, đây không phải là một cuộc thử nghiệm. Đây là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng mà nó sẽ không còn thầm lặng lâu nữa đâu. Và như nhà kinh tế học Paul Romer ở Stanford đã nói một cách rất đúng, “Bỏ phí một khủng hoảng là điều thật kinh khủng.”