Đừng quá 'tự sướng' về phẩm chất người Việt
Chúng ta vẫn thường được nghe trên báo đài về các phẩm chất của người Việt như: cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách... Nhưng sự thật có phải như thế hay chúng ta đang tự huyễn hoặc mình bằng những điều hoa mỹ?
Những nhận định đánh giá này có khi là xuất phát từ chủ quan của người Việt mình, khi thì được trích dẫn từ góc nhìn của một người bạn nước ngoài nào đó. Chưa biết điều đó có thật sự đúng và khách quan hay không nhưng đôi lúc cũng làm cho tôi (và có lẽ cũng rất nhiều người khác) cảm thấy rất tự hào.
Tôi chưa có dịp đi ra nước ngoài để có thể có một sự trải nghiệm hoặc so sánh với người dân các nước khác xem thử dân mình có thật sự nổi bật hơn với những đức tính nói trên hay không.
Thế nhưng với những cảm nhận những gì đang xảy ra trong cuộc sống, cùng với những câu chuyện từ trên báo chí và của những người quen biết từng sống ở nhiều nước trên thế giới tôi chợt giật mình tự hỏi những gì lâu nay mình vẫn tự hào có phải là một sự huyễn hoặc hay ít ra đó là những đánh giá vội vàng, khiên cưỡng.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng tính cần cù chịu khó: nếu chịu khó lang thang trong các quán cà phê có mặt ở khắp nơi từ phố xá cho đến thôn quê ta không khỏi ngỡ ngàng bởi có vô số người đủ mọi thành phần, lứa tuổi đang rất nhàn rỗi bên những ly cà phê (hoặc nước giải khát) bất kể là nắng hay là mưa, trong giờ hành chính hay ngoài giờ, ngày nghỉ hay ngày làm việc.
Trong số đó có rất ít người đến để bàn công việc mà chủ yếu họ đến để “giết” thời gian. Mà nào đâu chỉ có quán cà phê, ở các quán nhậu, quán bi-a cũng có những cảnh tượng tương tự. Hoặc có điều kiện thâm nhập vào các công sở hẳn sẽ không khó khăn lắm để mục sở thị không khí là việc uể oải, “câu giờ” của nhiều công chức nhà nước...Lúc đó chắc hẳn mọi người sẽ tự hỏi cái chất cần cù, siêng năng, chịu khó đang thật sự ở mức nào?
Còn với đức tính thông minh, sáng tạo thì chúng ta phải đặt vấn đề là có bao nhiêu phát minh khoa học, bao nhiêu giải pháp công nghệ của người Việt được thế giới công nhận? Trong tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… có bao nhiêu phần trăm hàm lượng công nghệ mang nhãn hiệu made in Việt Nam?
Khó có câu trả lời thật chính xác nhưng ta có thể nói ngay rằng những thành quả đó là rất ít, thậm chí là không đáng kể. Thật đáng buồn hơn khi hiện tại chúng ta hầu như chưa làm chủ được các kỹ thuật công nghệ nguồn .
Sự thân thiện và hiếu khách của người Việt thì sao? Thật sự thì cũng khó đồng tình khi chúng ta thường xuyên nghe sự ta thán của không ít của du khách nước ngoài, các đối tác làm ăn kể cả các Việt kiều về việc các nhân viên hải quan, tiếp viên hàng không Việt Nam - những người được coi là tiếp tân của quốc gia, sao thường xuyên thiếu vắng nụ cười .
Cũng tương tự khi đến các công sở nhà nước, các bệnh viện, trên xe buýt… chúng ta cũng hiếm khi nhận được sự niềm nở ân cần. Rồi thì nạn chặt chém du khách, nạn chèo kéo, bu bám du khách ở rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đã chứng minh điều ngược lại cho nhận định về sự thân thiện và hiếu khách.
Chưa kể một số mặt khác như kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác làm việc theo nhóm, ý thức cộng đồng, tính cầu thị và khả năng học hỏi của người Việt mình cũng không được đánh giá cao.
Nói như thế tôi không có ý định phủ nhận cũng như đánh giá thấp tất cả những đức tính tốt đẹp của tất cả người Việt mình, cũng không phải là một cách nhìn tự ti. Ở đâu đó và ở những thời điểm nào đó cũng có không ít con dân đất Việt đang hăng say miệt mài lao động sáng tạo và gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.
Cũng có biết bao nhiêu con người dù trong gian khó vẫn lạc quan yêu đời, vẫn luôn luôn nở nụ cười đem lại cho cuộc sống này những gam màu tươi mát. Chỉ có điều nó chưa thật sự trở thành sâu rộng, phổ biến đến mức nổi bật và mang tính đại diện cho cả dân tộc.
Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam đều có sẵn những đức tính cần cù thông minh, sáng tạo và cũng cực kỳ thân thiện hiếu khách. Vấn đề là chúng ta phải làm sao gợi dậy được những đức tính đó.
Thế nhưng để làm sao cho những đức tính đó được bộc lộ, phát huy và lan tỏa một cách rộng khắp để trở thành như một thứ “quốc bảo” thì có lẽ còn quá nhiều việc phải làm.
Lê Quảng Đại
------comment #1
Một người nước ngoài sang Việt nam chơi, họ nhìn thấy một bà đi bắt cua.
Trong giỏ có rất nhiều cua.Nhưng không thấy bà ấy đậy nắp. ông khách ngạc nhiên mà hỏi rằng:" Này bà,sao bà không đậy nắp , bà không sợ cua bò ra hết à? bà ta cười và trả lời ông khách:"
ông à ,đây là cua việt nam,cua này chỉ phải đậy ,và đậy thật kỹ khi chi có một con trong giỏ. Còn khi đã có hai ba con trở lên thì không cần đậy !" .Ông khách ngạc nhiên hỏi thêm:"Sao vậy Bà?".Bà ta trả lơi:" Đó là điều đặc biệt của cua việt nam.Khi một mình thì đậy kỹ thế nào nó cũng tìm cách ra được. Nhưng có tử vài ba con trở lên, thì....con nào bò lên sẽ bị các con khác kéo xuống ngay, nên không con nào ra được. Thế thôi!." ông khách gật gù cười ".À ra thế!"
-------comment #2
Hoàn toàn đồng ý với tác giả
Tôi hoàn toàn đồng ý, hiện tôi đang làm việc tại Singapore, vì đặc thù công việc nên văn phòng công ty tôi có nhân viên từ các quốc tịch khác nhau: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Ấn Độ, Thái Lan. Và có 1 điều tôi phải thú nhận: những người Việt đó tệ nhất trong các quốc tịch còn lại: không hợp tác, lười nhác, đùn đẩy trách nhiệm, luôn đòi hỏi và không đoàn kết ngay cả với chính nhóm Việt Nam, dù chúng tôi cũng chỉ có 5 người.
Dân Singapore chính gốc ư, họ giàu có, đó là điều đương nhiên. Nếu các bạn thấy họ thực sự 'cày' như thế nào, lúc nào thấy họ cũng nhanh: đi nhanh, làm việc nhanh, nói nhanh. Đi sớm và về muộn, ít có ai về lúc 5 giờ chiều, 6 giờ cũng đã là quá sớm, còn việc ở lại văn phòng tới 9-10 giờ tối là việc bình thường. Tôi không nghĩ đại đa số người Việt chịu làm việc kiểu này.
Không chỉ là người trẻ phải đi làm đâu nhé. Những người làm dọn dẹp, vệ sinh ở các khu công cộng, đều là những người lớn tuổi, một số người lưng còng xuống, và họ vẫn làm việc, cần mẫn, chăm chỉ. Tôi cũng từng có điều kiện làm việc lâu năm cùng một số người Nhật, họ không bao giờ tự hào mình thông minh (và thực sự, nhìn chung, người Nhật không thông minh xuất sắc), nhưng họ cần cù, chăm chỉ.
Khi nào những người Việt đó thoát khỏi tư tưởng làm ít hưởng nhiều, lúc nào cũng chỉ muốn ăn xổi, khi nào người Việt mới chịu cần cù làm việc trong mọi trường hợp như công dân các nước trong khối ASEAN (chứ không chỉ vì sinh kế quá thúc bách) và bỏ được thói khôn lỏi, chỉ muốn lợi cho chính mình, còn ai sống chết mặc kệ, thì khi đó, Việt Nam mới có cơ thoát khỏi ngưỡng nghèo đói, lạc hậu.
Dorothy | 16/05/2012
-----comment #3
Người Việt góc nhìn khác
Gửi các bạn tham khảo bài sưu tầm đánh giá người việt qua nghiên cứu của người Mỹ:
1. Cần cù lao động, song dễ thoả mãn, tâm lý hưởng thụ còn nặng
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tư duy dài hạn, chủ động
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm)
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý tưởng nâng lên thành lý luận
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện vì công ăn việc làm, ít chí khí, đam mê)
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích học đòi)
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong những điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện
9. Yêu hoà bình, nhẫn nhịn song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt
10. Thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng 1 việc: 1 người làm thì tốt, 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng)
quachdaihiep | 16/05/2012